Tặng vợ Liên ở phương xa. Không biết bao giờ vợ chồng mình mới được gặp nhau nhỉ?
Nhà tôi xưa ở phố Trương Hán Siêu, con phố nhỏ ngắn cũn, một đầu giao với phố Nguyễn Du và đầu kia là Ngô Văn Sở. Mùa thu, mỗi khi hoa sữa trên phố Nguyễn Du nở thì phòng tôi hương hoa cũng nồng nàn. Từ nhà tôi chỉ đi vài bước là tới trường nằm trên phố Quang Trung – phố cây bàng. Ngày xưa khắp cả con phố rợp bóng bàng, trường cấp Một của tôi chỉ trồng mỗi bàng, và trước cửa khu tập thể nhà tôi cũng có một cây bàng cổ thụ. Tất cả đều là giống bàng ta thấp, lá tròn. Từ nhà tôi đến trường chỉ mất có năm phút nhưng hàng cây bàng làm cho con đường đến trường dài hơn, thú vị hơn và với đứa trẻ con mười một tuổi là tôi lúc đó, có một chút màu cổ tích. Mùa xuân, lá bàng xanh non mỡ màng, từng chùm vươn lên trời. Mùa thu đông, bàng chuyển sang màu lá đỏ xen với vàng lấm tấm ánh nâu, thắp sáng bầu trời mùa này vốn thường âm u, đùng đục. Mùa hè, lá bàng dày và cứng cáp, toả tán suốt dọc con đường cho tụi trẻ con chơi. Hồi đấy thỉnh thoảng tôi lại thấy quả bàng rụng lăn lóc dưới chân nhưng không biết đập ra ăn thử giống nhà văn Vũ Bằng 😀
Những con đường xung quanh trường giờ quay lại thấy thật bé nhỏ. Đi bộ thong thả từ đầu phố đến cuối phố Trương Hán Siêu cũng chỉ vài bước chân. Thế mà ngày xưa hai vợ chồng còn hẹn gặp nhau ở giữa đường (vì nhà vợ ở góc Ngô Văn Sở và Quang Trung, cạnh hàng thịt xiên nướng nổi tiếng). Nhìn thấy bóng của nhau ở đằng xa là hai đứa toét miệng cười, rảo bước cho chóng được gặp nhau. Hôm nào Harry Potter ra tập mới (hồi đầu Nhà xuất bản thương trẻ con Việt Nam ít tiền nên tách truyện ra thành nhiều tập nhỏ phát hành hàng tuần) thì hai đứa còn mong mau gặp nhau hơn để còn bàn tán. Những đôi bạn bé thường gắn với nhau như hình với bóng nên chỉ cần một ngày không gặp nhau là đã thấy sao mà lâu thế. Có lẽ khi mười một tuổi, người ta thấy thời gian trôi chậm hơn, một ngày bằng mấy tháng bây giờ. Còn khi đã tích luỹ mấy chục năm cuộc đời thì một năm chỉ dài bằng cái chớp mắt. Đã bao nhiêu cái chớp mắt rồi mà vợ chồng mình chưa gặp nhau hả vợ?
Trẻ con bây giờ còn chơi trò lập gia đình không nhỉ? Trẻ con các nước khác có gọi bạn bè mình là anh, chị, vợ, chồng, bố, mẹ, chú, bác, ông, bà, thú nuôi….không? Trẻ con thời của tôi và cả các thế hệ trước không chỉ là bạn học mà còn là một gia đình ô hợp và rối rắm, bố đứa này lại là mẹ của đứa kia, chị của chồng (đứa tên chồng là con gái) lại là bà của vợ hay ông của bạn này lại là chó của bạn kia. Hình như đã có đứa định lập gia phả nhưng bỏ cuộc ngay từ phút đầu. Thật ra chẳng cần gia phả, lưu bút lúc nào cũng đủ đầy các thành viên gia đình với những lời lẽ thắm thiết hoặc bôi xấu nhau; đọc xong ai cũng thấy “Ôi sao mà yêu thế!” dù rằng vài năm sau, cả đám đều lập cho mình một gia đình mới ở lớp cấp Hai. Nhưng tôi hồi nào đến giờ chỉ có một vợ thôi. Các bạn lớp Năm còn tổ chức hẳn đám cưới cho hai đứa, có cả hoa cô dâu và thiếp mời (mà thầy cô giáo sau này nhặt được bèn loa loa lên mắng vì tưởng các bạn bày ra để trêu nhau – Không đâu! Chúng em yêu nhau cưới nhau đàng hoàng.). Chúng tôi làm đám cưới trên vỉa hè phố Quang Trung, phía đối diện trường tiểu học. Tôi còn nhớ các bạn phù dâu bắt tôi phải quỳ xuống cầu hôn cho đúng như phim. Đám cưới rình rang đâu tầm mươi mười lăm phút. Nghe trống trường thình thình là cả đám chạy tán loạn về trường.
Giờ phố Quang Trung kỷ niệm khác xưa nhiều lắm. Người ta đã nhổ bỏ hàng bàng từ lâu. Hàng cây bàng lâu năm lớn lên cùng tôi và đã đi vào bao nhiêu bài tản văn, cả những bài văn tôi nộp trên lớp (9 điểm nhé!). Có lần đi làm xa về, tôi tình cờ ghé qua, không còn thấy những tán bàng xưa; cả con đường lơ ngơ một hàng cây không tên mới trồng lơ thơ lá. Tôi từ ngơ ngác chuyển thành giận dữ. Ai đã thảm sát hàng cây bàng của tôi?!
Sau này lúc sống ở Sing, tôi cũng tìm mua cây bàng cảnh về đặt ngoài ban công và đi đâu cũng tìm bóng dáng cây bàng. Ở Côn Đảo cũng nhiều bàng lắm, bàng cổ thụ có khi cả nghìn năm, hoặc bàng đảo, cây cao, thân mảnh khảnh, lá dài hơn lá bàng Hà Nội. Dù là giống cây gì thì chỉ cần thấy cây bàng là phố lạ cũng thành thân quen.
Đường đến trường bao giờ cũng qua phố Trần Quốc Toản. Phố kem kí, thạch dừa mà các thế hệ học sinh hay ngồi đến tận cấp Ba. Con ngõ này là ngõ nhà ông bà của Hành. Trong ngõ có hàng nem rán hai đứa hay ăn sau những giờ tập đánh cầu lông để chuẩn bị cho kì thi thể dục khắc nghiệt 😀
Đến giờ vẫn mê mẩn những con ngõ nhỏ xinh trong xóm Hạ Hồi. Nơi này có nhà các bạn Bích Ngọc, Hiền Trang, các lớp học thêm hồi xưa nữa (nhưng cái này tôi không thích!). Ngõ Hạ Hồi là ngõ Hà Nội – tĩnh lặng, những căn nhà art deco mang màu hoàng thổ pha rêu, quần áo nhà ai giăng ngoài ban công lay động theo làn gió nhẹ, những hàng cây, giàn cây leo, hoa giấy thả vài đốm nắng xuống ngõ nhỏ mát rượi, con mèo trắng nhà ai mắt đen láy, thập thò dòm khách qua lại, vài con gà thơ thẩn, thỉnh thoảng lại gáy ầm lên một chập phá làng phá xóm rồi thôi. Ngõ lại nhanh chóng quay lại với tĩnh lặng.
Lâu rồi Hà Nội không bị ngập nữa. Hồi bé tôi chỉ mong mưa thật to và ngập thật cao để còn được nghỉ học. Có ngày mưa tầm tã, thò đầu ra ban công thấy nước đã đục ngầu hết cả ngõ, thế mà trẻ con vẫn phải đến trường. Hai vợ chồng lùm xùm áo mưa, bì bõm lội nước dọc Bà Triệu đến trường (trường cấp Hai Nguyễn Du dùng chung địa điểm với Trưng Vương), vừa đi vừa cau có “Sao trường ở Việt Nam ác thế? Sao vẫn chưa cho học sinh nghỉ học?”. Từ lúc lên cấp Hai, cả hai đứa đều ghét và sợ đi học. Ngày nào hai vợ chồng cũng thất thểu vác cặp nặng mấy cân đến trường rồi đau khổ nhìn những con người tự do bên ngoài qua song sắc cổng trường như hai tù nhân bé nhỏ.
Từ nhà ra phố Nguyễn Du rồi đi thêm vài bước nữa là tới hồ Thuyền Quang. Ngày bé, bố hay cho hai chị em ra đạp vịt. Bây giờ hồ không có vịt để đạp nữa nhưng có thiên nga thật đi tuần, lâu lâu vươn cổ kêu mấy tiếng vang như tiếng kèn đồng.
Tôi nhớ có lần mưa suốt mấy ngày. Nước hồ Thuyền Quang dâng ngập hết vỉa hè, cá bơi ngoe ngoẩy. Đứng trên đường nhìn ra không còn biết đâu là hồ và đâu là vỉa hè nữa. Không biết hồi đó có ai đang đi bộ bỗng dưng thấy mình rơi tõm xuống hồ không?!
Bây giờ không mấy ai gọi hồ là hồ Ha-le (“Halais” theo tên tiếng Pháp) nữa. Các gái hay dân hút chích cũng đều đã dạt đi nơi khác rồi thì phải. (Nhắc đến vụ này lại nhớ câu chuyện mại dâm 10k cho các cụ mà bạn Chó, chuyên phụ trách các dự án phi chính phủ về mại dâm và nghiện hút, kể). Hồ bây giờ xinh xắn và thanh bình, với công viên Lênin một góc và hiệu sách Kim Đồng ở đầu phố Hồ Xuân Hương.
Phố vẫn thay đổi từng ngày. Ngõ bây giờ có thêm nhiều quán cà phê mới xôn xao. Trường Quang Trung hôm trước đi qua thấy cành cây chặt ngổn ngang, hình như chẳng còn cây bàng nào nữa. Hàng thịt xiên nướng trước cửa nhà vợ bây giờ ăn không ngon như hồi năm kia nữa và đối diện với khu tập thể nhà mình mọc lên một toà nhà service appartment đèn vàng và ban công kính (rất lạc đề nhưng vẫn phải nói là tôi căm thù ban công kính). Tầng hai toà biệt thự Pháp cổ nơi có khung cửa chớp màu xanh ở góc phố không còn là nhà vợ nữa. Và nhà chồng cũng đã dọn khỏi căn hộ tổ chim ở khu tập thể Trương Hán Siêu được hai mươi năm rồi.
Hẹn vợ một ngày chắc hơi xa, cùng đưa Anna và Alex về thăm phố và kể cho hai đứa chuyện các mẹ ngày bé.
L.L
Hà Nội 15 tháng 6 2021