Một cuộc dạo chơi trong tâm tưởng. Vì Hà Nội tháng Sáu nắng đổ lửa và thế giới hôm nay thì buồn. Con đường thì dài mà trí nhớ của người đi thì sao mà ngắn.

Hồi còn ở Huế, căn hộ tôi thuê nằm trên phố Nguyễn Trường Tộ. Tuy chỉ ở đây hai tháng, mỗi khi nhắc đến căn hộ sơn trắng với ban công mở ra những tán cây lúc nào cũng lảnh lót tiếng hoạ mi trong vắt như tiếng chuông từ cà phê Cường bên dưới, tôi thấy mình gọi nơi ấy là nhà. Nhà tôi ở Huế nằm ở tầng hai trong một dãy nhà chung cư cũ hai tầng có kiến trúc kiểu thuộc địa, nằm đối diện Toà Tổng Giám Mục Huế. Ngày xưa, dãy nhà này là nơi ở của các cha.

Phố Nguyễn Trường Tộ! Con phố nhỏ xinh như một bài haiku, mơ màng tiếp nối khi ta vừa chậm rãi đi qua cái tĩnh lặng ban trưa của phố Ngô Quyền. Dọc hai bên phố là hai hàng long não cổ thụ, đã lao xao muôn vàn lá nhỏ từ bao nhiêu thập kỷ, trước cả khi Trịnh Công Sơn viết Diễm Xưa. Người Huế gọi đây là đường long não. Còn với tôi, đây là phố nhà tôi.

Những ngày ở Huế, việc đầu tiên tôi làm mỗi khi tỉnh dậy là mở cánh cửa chớp để nhìn ra hàng cây trước cửa. Cái tươi mát và náo nức của ngày mới theo làn gió sớm toả ra khắp căn nhà ống, đưa mùi lá ướt qua giếng trời vào tận căn bếp bên trong. Huế cho tôi khung cửa sổ đẹp như tranh nên mỗi ngày ở Huế bắt đầu tựa một ý thơ. Nắng vàng như tơ. Ngoài kia, lá phượng non rập rờn như sóng và tiếng lá long não xôn xao nơi những cành nâu mềm mại đang đan cài vào nhau. Bên kia đường, bức tường dài của Toà Tổng giám mục lấp lánh màu vàng nghệ sau tán long não. Bầy chim trú ngụ trên hàng cây dọc phố bắt đầu chui ra khỏi các hốc cây, chao liệng, ríu ran, có lúc ồn ã như đang cãi nhau. Một con ong mật theo lá đi lạc vào nhà, vơ vẩn mãi cạnh dãy quần áo đang phơi. Không biết có phải tại chiếc váy hoa?

Có ban công đẹp như tranh vẽ có nghĩa là mỗi ngày sống ở căn nhà ấy, góc phố ấy giống như đang nhâm nhi một ấm trà ướp hoa mộc. Cuộc sống diễn ra thơm ngát, dịu dàng. Những bước chân khẽ khàng ra ban công. Hoa long não cánh tròn bé xíu, phủ trắng một góc. Một con bướm chấp chới mãi đôi cánh nhung đen gần mấy thanh lam thông gió. Mười hai giờ trưa, tiếng ve vang rền khắp thành phố, như tiếng sấm, như tiếng nước rơi trong cơn mưa rào mùa hạ. Và dáng lưng còng của bà cụ nhà bên chiều nào cũng nghiêng nghiêng ngoài ban công ngắm tàng cây long não. Con chuột vội vã chạy ngang qua ban công chiều hôm ấy, con chuột mà bà cụ bảo “Hắn không vào nhà đâu, chỉ mượn đường ra tổ phía sau thôi”. (Những người Huế bình thản, chấp nhận chuột như là một phần của khung cảnh đẹp, không như người Hà Nội, nhảy dựng lên và lo lắng thông báo với những người xung quanh là ở đây có chuột). Đêm Lễ Tạ Ơn, cây thánh giá thắp đèn màu lâu lâu lại nhấp nháy, hoà nhịp với tiếng thánh ca vọng ra từ Toà Tổng giám mục.

Có những ngày mà một ngày như bốn mùa. Nắng vừa óng lên trên lá phượng thì bỗng dưng một bóng mây xám trườn tới. Rồi mưa bóng mây lất phất. Rồi nắng lại óng ả như chưa từng mưa nhưng đến tầm bốn, năm giờ chiều thì trời lại mưa. Mưa nghiêm túc, mưa lâm thâm suốt mấy ngày. Thứ duy nhất không nhuốm màu mưa bàng bạc là bình cẩm chướng chúm chím mua ngày nắng ở khu chợ bên hông. Hai tuần đầu ở Huế, đi đâu cũng thế, dù trời đang nắng, tôi vẫn thấy có vài người mặc áo mưa. Chắc họ từ phía cơn mưa tới.

Phố Nguyễn Trường Tộ đẹp và yên tĩnh nên có nhiều quán cà phê. Qua cà phê Bo ơi (?!), cà phê Bon và cà phê Tuyết là tới Gác Trịnh, nằm ở tầng hai chung cư, ngay bên cạnh là cà phê Nghĩa với khung cửa nhìn ra một cây doi đang ra hoa trắng muốt, quả cũng trắng. Đi vơ vẩn ở Huế, tôi cũng đã gặp mấy cây doi trắng rồi.

Ra đến đầu phố là cầu Phú Cam bắc ngang sông An Cựu – dòng sông nắng đục mưa trong. Sáng nay trời mưa nhẹ nên sông lững lờ trong xanh. Dọc sông, cỏ cây sum suê, căng tràn nhựa. Đầu hè, phượng đã lác đác điểm màu đỏ thắm. Hoa điệp vàng phủ kín cả tàng cây. Những giấc mơ trưa êm ả chậm rãi rắc bụi vàng lên nền trời màu ngọc bích.

Thỉnh thoảng lại thấy những bậc thang dẫn xuống sông. Riêng những bậc thang này được xếp kín các chậu cảnh đủ sắc màu.

Một cột mốc báo lũ thể hiện mốc lũ năm 1999 và 1995. Trong cơn lũ lịch sử năm 1999, mức nước lên tới 4.3 mét.

Con đường bên trái từ cầu Phú Cam qua vào ban ngày khá yên tĩnh, khác hẳn phía chợ Bến Ngự đang nao nức vào mùa nấm tràm. Đi tầm mươi, mười lăm phút là đến cung An Định. Cung bây giờ ngày nào rộn ràng màu áo lụa và bước chân đi guốc mộc của các bạn trẻ đến chụp ảnh chứ không vắng lặng như hồi trước khi Hoà Minzy ra MV “Không thể bên nhau suốt kiếp”. Để lại cánh cổng đắp nổi sành sứ và những hoa văn bát bửu phía sau, tôi vòng ra nền nhà hát Cửu Tư Đài. Chỗ vườn cây, nền gạch mới không chất kết dính làm bước chân khấp khểnh như đi trên những phím đàn cũ lộn xộn, giật cục vài nốt lệch tông. Tường cũ bong tróc, rêu phong. Đường nét xưa cũ phôi pha, lụi tàn, tan dần vào không khí mà tôi hay gặp ở Huế.

Sau bao lâu thì một chốn lạ trở thành nhà? Ở phố long não, đó là sau vài lần đứng trên cầu nheo mắt ngắm hai toà tháp nhà thờ Phú Cam vươn lên như đôi cánh xám, cố đứng phác họa trong nắng trưa gay gắt mà vẫn không nắm bắt được cái bóng xa mờ, hay là cái không khí ấy. Nơi chốn cho tôi khung cảnh và tôi dành tặng lại nơi chốn này cái nhìn chăm chú, những khoảnh khắc riêng tư, dù rằng được thể hiện bằng nét màu nước vụng về.

Cảm giác về nhà bắt đầu khi bức tường đỏ cũ kĩ của trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh cũ) đã lùi lại sau lưng và gần trước mặt là cây hoa đại trong sân trường mẫu giáo Vĩnh Ninh, phất phơ muôn vàn dải ruy băng đỏ thắm, có lẽ được cột vào để đón các em bé ngày đi học lại sau covid. Và khi cái bóng xám mờ của nhà thờ Phú Cam hiện ra, tôi biết mình đã về đến nhà.

Nhớ biết bao một trưa vắng trong sân nhà thờ, tôi đang hí húi vẽ thì một em bé gái tò mò ra ngó rồi xin vẽ cùng. Tôi chia đôi bức vẽ, để em vẽ vòm lá cây và khóm cỏ. Em Nga, má hồng rám nắng, mắt long lanh, chăm chú nghe tôi hướng dẫn rồi cẩn thận tô màu. Những nét cọ chấm chấm, bàn tay nhỏ và ánh mắt của em mãi mãi lưu dấu trên trang sổ của tôi.

Ký hoạ là những cuộc gặp gỡ, là mở to mắt, lắng tai nghe, hít sâu, chạm vào, nhìn vào mắt nhau, để vẽ. Hay là nhờ vẽ mà tôi mới có những cuộc gặp gỡ ấy.

Đêm ca Huế đầu tiên của Câu lạc bộ Ca Huế ở Bảo tàng Văn hoá sau hai năm nghỉ do Covid. Những tà áo dài óng ánh, những nụ cười, nhịp vỗ tay hào hứng theo nhịp sênh. Ánh nhìn lém lỉnh của các em bé hích tay nhau, quay lại ngó tôi vẽ tranh. Những lời khen của các em hồn nhiên và chân thật.

Sáng mùa hạ ở hồ Tịnh Tâm, chuyến dạo chơi của một gia đình Huế. Các em nhỏ lúi húi tìm bắt châu chấu, reo lên hồ hởi mỗi khi bắt được một con, như thể các em vừa tìm thấy một kho báu.

Vườn cau đang nở hoa ngọt ngào nhà dì Huê ở làng Phước Tích. Câu chuyện về cây hoa mộc, hoa hồng cánh nhỏ, về cây hoa hàm tiếu quý trong vườn và về loài cây ngô đồng mà dì bảo dì chưa bao giờ thấy. Còn tôi cũng mới lần đầu được ngắm cây ngô đồng ra hoa bên cổng Quảng Đức vào tháng trước thôi nhưng cũng cố hết sức mô tả cho dì.

Tình cờ, một workshop tập làm bánh pháp lam ở L’art à Hué. Những câu chuyện say mê bắt đầu từ mứt dưa hấu, đến bún bò cơm nguội, hoa giấy Thanh Tiên, rồi về áo dài, về năm 68, năm 99, về người Huế…

Một tranh ký hoạ không chỉ gợi nhắc đến không gian kí ức tại một thời điểm mà còn kết nối đến những kỉ niệm khác – một điểm sáng lan truyền đến những mối nối muôn vàn sợi tơ kí ức. Niềm yêu thiết tha khi vẽ những cổng Quảng Đức, cổng Cửa Đồ lác đác cánh sen hồng vài ngày trước khi về lại Hà Nội. Cánh diều vô tư lự bên kia sông Hương mà tôi thấy mỗi chiều đi dạo trên cầu Phú Xuân ngắm hoàng hôn. Phố đêm vắng bóng người ngày đội tuyển bóng đá nam đá trận chung kết, chỉ có tôi đầy lãnh đạm với không khí thể thao chung, rảo bước mong cho chóng đến Imperial Craft Bia để ăn tacos và uống bia. Bữa ăn chay ở nhà một người bạn trong kiệt nhỏ gần khu chung cư Đống Đa; người bạn mới quen mà như đã biết từ bao năm rồi. Mùi hoàng lan lẩn quất lúc mười giờ đêm trong sân chùa Từ Đàm, không biết đến từ đâu. Ngày Phật Đản, những cái chắp tay và nén hương của các Phật tử thả cá phóng sinh xuống dòng Đông Ba trước cổng chùa Diệu Đế … Sổ ký hoạ ghi dấu không gian bên ngoài và thế giới bên trong của người vẽ. Hôm nay lật lại sổ vẽ để nhớ lại nơi chốn và người vẽ cũ, mới mấy tháng mà đã đổi khác, duy chỉ có nét vẽ là vẫn vụng về và đôi mắt nhìn thì may quá, vẫn còn được trong như dòng sông sau cơn mưa.

Hà Nội ngày 25 tháng 6 năm 2022

L.L