Tặng những người lớn chỉ thích đọc non-fiction
Tuần trước Ô mai sấu Nhà Báo vì chiều bạn mà xách tới cho mượn nguyên bộ truyện Maruko và quyển bác sĩ Aibolit bản của Nhà xuất bản Cầu Vồng, đều là những truyện mà hai đứa đều thích đọc hồi bé. “Bác sĩ Aibolit” là cuốn sách đầu tiên của tôi, đọc đi đọc lại suốt mấy năm từ hồi bốn tuổi đến thuộc lòng từng chữ và tranh minh hoạ. Hồi đấy, từ trong truyện mà tôi thích nhất là “bánh mật ong”, chỉ cần đọc lên thành tiếng là đã thấy miệng ngọt lịm. Tôi cũng đã ngẩn ngơ hàng giờ với các tranh minh hoạ màu sắc tươi sáng của truyện, thích nhất là tranh đường phố ngập nắng, đèn hoa rực rỡ chào đón bác sĩ và muông thú trở về từ châu Phi và một tranh gần cuối truyện, cũng là cảnh thành phố chào đón tàu của bác sĩ trở về sau khi đánh bại lũ cướp biển, lần này có ba bông pháo hoa toả hàng lớp lấp lánh vàng, đỏ, xanh chói lọi trên nền tối của trời đêm cuồn cuộn mây. Lật từng trang giấy trắng dày đã hơi ngả vàng, chạm nhẹ lên những hàng chữ to tròn, tôi nhớ lại những cuốn sách thân thương của tuổi thơ tôi.
Ngày bé, đọc là đắm chìm trong, phiêu lưu trong những thế giới khác ngoài thế giới loài người. Khi bước qua cánh cửa vào thế giới đó, tôi bỏ lại lớp vỏ con người, để hoá thành con kiến, cùng họ hàng nhà kiến đưa đám bác giun (“Đám ma bác giun” – thơ Trần Đăng Khoa), thành đống củi nằm cạnh nghe cây thông già hồi tưởng đêm Noel huy hoàng duy nhất trong đời, thành bông hoa say sưa xem các hoa violet lính thuỷ đu đưa nhảy múa với các tiểu thư dạ hương lan và kị phù lan (Truyện “Cây thông” và “Những bông hoa của cô bé Ilda” – Andersen) hay thành đám cỏ bên sông lao xao cười chú bò cứ tưởng bóng mình là bạn bò khác, khi bóng tan cứ “ậm ò” tìm bạn mãi (“Chú bò tìm bạn” – thơ Phạm Hổ). Mọi vật dù bé nhỏ hay im lặng đến đâu cũng đều có thế giới nội tâm riêng sống động và phong phú. Mưa, một hiện tượng thời tiết hiển nhiên qua đôi mắt hồn nhiên mà tinh tế của nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi ấy mới chín tuổi, trở một bộ phim gay cấn đủ các hồi và các tuyến nhân vật. Tôi thấy vạn vật, nào mối, nào cóc, nào gà, nào mùng tơi nhảy múa, cựa quậy, bay vù vù, chạy rối rít, nhốn nháo trong “Mưa” của Trần Đăng Khoa:
Trong truyện trẻ con, nhất là truyện cổ tích, vạn vật không ngừng biến hoá, hoà vào nhau, nuôi dưỡng nhau, ươm mầm cho những sinh linh mới. Tồn tại nghĩa là mang trong mình câu chuyện hoặc thậm chí DNA của các giống loài khác. Cây long nhãn sinh ra từ con mắt Rồng bị hỏng, mật, sữa và bàn tay chăm sóc dịu dàng của mẹ em bé; từ cây lại mọc ra quả quý làm thành đôi mắt mới cho Rồng con (“Em bé và rồng con hay là sự tích cây nhãn” – Phạm Hổ). Thân xác con hươu già nhớ bạn nằm chết trước cửa hang xưa hoá thành cây đại với “lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu” và “những bông hoa thì giống như những con mắt hươu đang mở tròn, mở to để trông ngóng, đợi chờ” (“Em bé hái củi và chú hươu con hay là sự tích cây hoa đại” – Phạm Hổ). Đến bây giờ em bé trong tôi vẫn thì thầm “đợi nhé” mỗi khi nhìn thấy cây hoa đại (bác Phạm Hổ kể là cây lúc đầu có tên “đợi” nhưng sau đọc trại đi thành “cây đại”). Người lớn đôi khi bước đi giữa thế gian như thể đi dạo trong siêu thị; mọi thứ đều đã được đóng gọi gọn gàng, nằm ngăn nắp im lìm trong khu vực riêng, kệ riêng, sắp xếp đều tăm tắp theo đúng tên sản phẩm. Đi dạo trong siêu thị thì chẳng cần nhìn; cứ đến đúng kệ rồi với tay lấy đồ cho vào giỏ thôi. Người lớn quên mất rằng ngày xưa, lúc còn là em bé bị nhốt trong nhà, mình đã từng nhìn ra cửa sổ, ao ước được rong chơi trong thế giới rộng lớn diệu kì ngoài kia, nơi mỗi cái cây là một câu chuyện và trong mỗi câu chuyện lại là vô vàn câu chuyện khác; và ta có thể đi mãi không chán, như con nhện nâu lần theo từng sợi tơ mà đi khắp thế gian.
Nói vậy nhưng không phải cái gì của mình hồi bé cũng tốt. Tôi đã từng là một em bé nhất nhất nghe lời (chuẩn “Bôn” theo ngôn ngữ thời đó), nhìn thế giới bằng hai màu trắng đen và cho rằng mọi câu hỏi chỉ có hai câu trả lời: Đúng hoặc Sai. Khi mới đọc mấy trang đầu của truyện “Tixtu, ngón tay cái xanh” và “Tốt-tô-chan”, tôi thấy khó chịu với Tixtu và Tốt-tô-chan vì hai em (bạn) không tập trung nghe giảng – “Sao đi học mà lại ngủ gật hay là nói chuyện với chim bao giờ?”; tôi thấy hả hê khi hai em bị phạt; với tôi không làm theo quy tắc thì bị phạt là đúng rồi. Có lẽ em bé tôi hồi đó với tư duy giản đơn đã thấm nhuần sự tôn trọng, thậm chí là kính sợ cha mẹ, thầy cô, luật lệ… – những con người, những thứ có uy quyền tuyệt đối lên mình. Không biết gì về chế độ nô lệ ở Mỹ, khi đọc truyện “Túp lều bác Tôm”, tôi đứng về phía những người chủ nô, phản đối cô nô lệ chạy trốn và trách cô đáng lý ra phải ở lại giúp chủ như bác Tôm mới là đúng; dù rằng đến cuối truyện thấy bác Tôm bị chủ mới hành hạ dã man, trong lòng tôi cũng có chút thắc mắc. Em bé tôi ở ngoài đời lắm khi xấu tính, khinh các bạn học kém và thỉnh thoảng nói xấu một cô bạn cùng lớp chỉ vì bạn ấy có giọng khàn khác lạ hay mặc chiếc áo khoác màu vàng không giống mình (xin lỗi bạn Trang lớp 4B nhé!). Trẻ con không phải lúc nào cũng hồn nhiên thánh thiện như người lớn nghĩ.
Tôi luôn cám ơn sách đã cho tôi được gặp những màu sắc khác, những em bé “không-giống-những-đứa-trẻ-khác”, các bạn bằng tuổi mình mà bị coi là “khác người”, bị đuổi học, bị những định chế đầu đời từ chối. Tixtu, cậu bé có ngón tay cái xanh có thể gọi hạt giống và khiến chúng nảy mầm trong đêm, mới đi học được ba ngày đã bị trường cho nghỉ qua bức thư hai dòng bắt đầu với câu “Thưa ông, con ông không giống mọi người.” Tốt-tô-chan sau khi bị phạt đứng ngoài cửa lớp vài hôm vì đủ thứ tội, nào là mơ mộng nói chuyện với chim, vẽ cờ Nhật gạch cả ra ngoài trang giấy, rồi mất tập trung, cũng bị đuổi học. Bê trong “Hành trình ngày thơ ấu” là lớp trưởng, trò giỏi gương mẫu nhưng vì phản kháng lại một thầy giáo quấy rối nữ sinh mà bị đuổi học, làm xấu mặt mẹ mình vốn cũng là giáo viên và còn bị chặn mọi con đường để đi học tiếp ở các trường khác.
Tôi không thấy những chuyện hoàng tử đánh quái vật hay cô gái nghèo lặn lội đi tìm quả quý có gì khó tin – họ đều là người lớn cả mà; nhưng những em bé bị đuổi học mà vẫn lặng lẽ, cương quyết đi theo con đường mình tin là đúng đối với em bé tôi lúc đó thật dũng cảm. Là một đứa trẻ, tôi đã ý thức được sự bất lực của mình trước định chế đầy quyền lực là trường học – những thứ nội quy, điểm số, Sao Đỏ, thầy cô lúc-nào-cũng-đúng, cả những câu mắng mỏ gay gắt nhiều khi như lăng mạ. Có những ngày đứng sau song sắt cổng trường nhìn ra ngoài, tôi thấy mình như một tên tù nhân bé nhỏ, khao khát sự tự do của tất cả người lớn ngoài kia. Mỗi ngày đi học, em bé tôi đều thầm ao ước có một quả bom rơi xuống trường, hoặc là động đất xảy ra cho trường học biến mất đi, để tôi được tự do. Đi theo hành trình của Bê rời khỏi trường học và thị xã để một mình lên Khậu Phai tìm bố hay dõi theo Tixtu, một mình trong đêm đến nhà tù rồi sau đó là nhà máy sản xuất vũ khí để gọi các hạt cây lên, phủ xanh những nơi chốn khắc nghiệt này là khoảng thời gian giải thoát ngắn ngủi của tôi khi đó. Hành trình của các em bé dũng cảm đó đã gieo vào tâm trí tôi hạt mầm đầu tiên của suy nghĩ độc lập và lòng khoan dung với sự khác biệt ở những người khác và trong chính tôi.
Người ta hay nói một cuốn sách hay là một bữa tiệc ngôn từ. Đối với tôi hồi bé thì sự so sánh này đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi biết đọc hình như vào năm bốn tuổi, nhờ được bố mẹ gửi cho bà nội dạy cùng các anh chị lớn hơn, đang học cấp Một. Bình thường tôi ở cùng ông bà ngoại, trong nhà hầu như không có quyển sách cho trẻ con nào. Hai cuốn sách đầu đời mà tôi nhớ là cuốn “Bác sĩ Aibolit” và một quyển sách dạy làm mứt kẹo. Ban ngày, hồi chưa đi học mẫu giáo hoặc hôm nào giả vờ đau bụng trốn học được, tôi chơi một mình; khi thì lật ngửa cái ghế nhựa lên, ngồi vào giữa lắc lư như đang ngồi trên thuyền, khi thì mở hai quyển sách duy nhất ra ngâm nga. Tôi đọc đi đọc lại cách làm kẹo mạch nha, rồi cách làm mứt quất, thầm thì cho mình nghe những từ ngon lành ngọt lịm: “vàng óng ả”, “mật ong”, “thơm mùi nếp”. Những năm 91, 92, nhà tôi không mấy khi có bánh kẹo (nên “sô-cô-la Nga” là một cụm từ rất thần kì!); quyển sách về cách làm mứt kẹo này và từ “bánh mật ong” trong truyện “Bác sĩ Aibotlit” đã trở thành món tráng miệng của tôi mỗi ngày.
Khi ta đọc từng câu từng chữ, không chỉ đọc thầm trong đầu mà còn đọc lên thành tiếng, ngôn từ mang tới những rung cảm rất thực, như cái rung xao xuyến ở đầu ngón tay và nghe trong lồng ngực khi ta chơi đàn, như cảm giác mát lịm ngây ngất khi ta uống rượu mơ – những giọt hổ phách thấm vào lưỡi, lan toả từng làn sóng ngọt ngào êm dịu đến tận cuống họng: những “cánh buồm đỏ thắm”, những “đôi mắt xanh thẳm”, những bộ váy công chúa dệt bằng ánh trăng bạc hay sợi nắng vàng, những xứ sở của núi “phủ tuyết lấp lánh như đàn thiên nga đang ngủ” và đáy biển nơi “mặt đất toàn một thứ cát rất mịn, xanh như ngọn lửa diêm sinh” (“Nàng tiên cá” – Andersen).
Ngôn từ cuốn ta vào một thế giới khác, không cách gì cưỡng lại được. Đôi khi nó lặng lẽ phủ lên ta làn nắng nhạt từ một đất nước xa xôi ta không hề biết tên – thành phố Trung Á của chàng sĩ quan đang yêu trong “Cầu vồng trắng” (Pautovsky), “trước đây tưởng chừng như ảm đạm và dữ dội” giờ lại hé ra “bầu trời trong trẻo, mùi lá mục và vẻ yên tĩnh của những khu vườn cổ xưa.”
Đôi khi ngôn từ nắm tay ta vào một căn phòng nhỏ trầm tư trong một đêm tĩnh lặng nơi tỉnh lị của “Bình minh mưa”. Bó hoa đồng nội vừa mới hái, “tập thơ “Con đường dài hoá dễ với ta” để ngỏ của Block”, “chiếc mũ phụ nữ màu đen đặt bên cuốn sách bìa nhung lam đặt trên mặt đàn dương cầm”. “Một chiếc đồng hồ con dây mạ kền chạy rất êm, kim đồng hồ chỉ một giờ rưỡi. “Mùi nước hoa bao giờ cũng phảng phất buồn, nhất là trong đêm khuya khoắt như đêm nay.”
Ngôn từ đưa ta vào thế giới nội tâm trong trẻo và sâu lắng của người thiếu nữ trên chuyến đi lớn đầu tiên trong đời:
Những câu văn đẹp nao lòng này, tôi đã từng chép trong một cuốn sổ – sổ ghi chép các đoạn văn mình thích mà cô giáo dạy văn dặn lớp tôi làm. Tôi đã đọc chúng đến thuộc lòng, ngấm đầy những câu những từ thật thơ ấy. Chúng giúp cho cho giọng nói của tâm trí tôi (tôi là người suy nghĩ bằng cách nói – verbal thinker, khác với những người suy nghĩ bằng hình ảnh i.e. visual thinker) – giọng nói thường xuyên mô tả và diễn giải thế giới xung quanh cho tôi – trở nên đa sắc và tinh tế hơn, giống như một người sau khi học vẽ bắt đầu nhận ra sắc xanh trong màu cánh sen hay màu nâu đỏ ánh lên khe khẽ trong bóng mây xám.
Từ hồi lớp Ba đến hết lớp Sáu, tôi thích viết lắm. Tôi viết những bài thơ nho nhỏ về con cá vàng trong bể kính, những người lớn tôi nhìn thấy trong viện Nhi và vài câu chuyện xinh xinh về cỏ cây trên mái nhà đối diện hay chuyến phiêu lưu của một cô búp bê. Sau này tôi dần làm quen với các cấu trúc bài và khái niệm văn mẫu. Năm lớp Bảy, tôi lấy quyển thơ cũ ra đọc lại, bỗng thấy sao mình viết trẻ con quá, ngớ ngẩn quá; tự thấy xấu hổ, tôi cẩn thận xé từng trang quyển thơ dày của mình, vứt gọn gàng trong thùng rác. Tôi nghĩ mình lớn rồi, giờ phải viết theo kiểu người lớn. Những câu văn của tôi dài ra, từ ngữ trau chuốt hơn, đọc cũng vần điệu hơn nhưng nghe sao quen quen. Bạn tôi, người đã đọc hết các truyện và thơ tôi viết bảo sao bây giờ những thứ tôi viết hay thì hay thật nhưng đọc lên thật giống nhau. Những thế giới trong sách hồi xưa hiện ra dễ dàng giờ cũng hiếm khi đến thăm tôi. Lúc đó tôi không hiểu vì sao nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra nó đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ của tôi với ngôn từ và với sách. Chúng tôi không còn tồn tại song song như những người bạn nữa. Sách không còn là thế giới nơi tôi đến thăm, ngắm nghía, dạo chơi; nó đã trở thành công cụ – để tôi chọn ra những đoạn hay có vẻ vừa ý cô, lồng ghép vào bài viết chuẩn bị sẵn mà kiếm điểm.
Lần cuối cùng bạn thấy mình chìm đắm, gần như biến mất trong một cuốn sách là khi nào? Cảm giác đọc say mê như đang bị từ ngữ cuốn đi như thế nào, bạn có nhớ không?
Từ “đỏ thắm” có vị gì?
Tôi chẳng còn nhớ nữa.
Từ khi nào thời gian thay đổi từ thời gian của riêng tôi, buổi sáng của tôi, buổi trưa của tôi thành một thứ mặt hàng chung? Từ khi nào thời gian, thay vì được đánh dấu bằng những thay đổi trong thiên nhiên và những sự kiện trong cuộc sống của tôi, lại được gõ nhịp bằng tiếng tíc tắc cơ học của đồng hồ sản xuất trong nhà máy? Thời gian ngày bé ôi sao mà thừa thãi, tôi chỉ mong năm học trôi qua thật nhanh cho đến nghỉ hè, rồi thời gian làm trẻ con nữa, qua mau đi để tôi được làm người lớn, được tự do làm chủ thời gian. Nhưng bây giờ khi đã là người lớn rồi, buồn thay, tôi lại đóng vai một bà chủ keo kiệt, cân đong đo đếm từng đồng thời gian của mình. Thời gian là để đầu tư và đầu tư thì phải có mục đích rõ ràng. Thế thì tôi đọc bài thơ “Đám ma bác giun đất” để làm gì nhỉ? Tôi có học thêm được kỹ năng hay nắm được thêm một “sự-thật-ngầm-hiểu” (insight +) ) nào có thể tạo được đột phá trong công việc không? Có lẽ tôi nên dùng thời gian đó để đọc các sách how-to kiểu như giun đất có lợi cho đất như thế nào và làm sao để vườn của bạn có thêm nhiều giun đất.
Khi cuộc sống làm người lớn đi theo tiếng tíc-tắc của đồng hồ, xoay vòng theo đường đua năng suất, việc đọc dần chuyển thành hoạt động lọc thông tin. Tôi được học cách đọc sao cho thật nhanh: đọc lướt, chú tâm vào phần mở đầu và phần kết, tìm từ khoá để đoán nội dung, xem câu hỏi trước rồi mới đọc để tập trung tìm thông tin trả lời câu hỏi. Đọc không còn là cuộc dạo chơi trên những con đường lạ. Đọc bây giờ là đi tìm những mảnh ghép còn thiếu cho bức tranh ghép đã được định hình sẵn. Tôi đọc, xem và nghe nhiều: những status dài trên Facebook, vài mảnh tin tức chữ bé tí đứng yên trong ba giây trên Insta story, các bài báo mạng từ cả báo tiếng Việt lẫn tiếng Anh, bài viết bạn share hoặc từ link Instagram, tin từ Bộ Y Tế rung ầm ĩ trên Zalo mỗi chiều, sách e-book, video khoá học online trên Edx (trong lúc chỉnh hashtag cho post trên Instagram), podcast, video trên Youtube, v.v….Đọc bây giờ nghiễm nhiên là đọc nhiều nhưng chưa chắc là đọc sâu.
Một nghiên cứu năm 2020 (“Cơ sở thần kinh của phát triển ngôn ngữ: Những thay đổi trong quá trình phát triển theo độ tuổi”) cho thấy trẻ em và thiếu niên dùng cả hai bên não phải và não trái để xử lý ngôn ngữ trong khi người trưởng thành chỉ sử dụng não trái cho việc này. Sự chuyển dịch của phát triển ngôn ngữ từ cả hai khu vực não sang chỉ một bên não trái diễn ra từ từ, từ lúc con người bắt đầu tập nói và hoàn thành khi họ 19 tuổi. Có phải vì thế mà trải nghiệm đọc sách khi lớn lên không còn mãnh liệt, đánh thức mọi giác quan như xưa, tôi cũng không chắc nữa. Có lẽ dù muốn hay không, cánh cửa vào những thế giới kỳ diệu trong sách, như cánh cửa tới Narnia, mãi mãi khép lại khi tôi lớn. Và khi đã biến bản thân mình thành một phần của nền kinh tế chú ý (Attention economy), tôi có thể phê phán nhưng không bao giờ đủ dũng cảm bơi ngược dòng chảy của thời đại. Nhưng tôi biết em bé mê đọc sách vẫn đang ở đâu đó trong tôi, ngâm nga theo những con chữ tròn dưới một ban công nhà tập thể vàng ruộm nắng. Tôi vẫn có thể ngồi xuống cạnh em như hai người bạn, dưới hàng quần áo phơi lướt thướt nước, cùng nhau đọc một cuốn sách mới – sách của chúng tôi.
L.L
Hà Nội ngày 3 tháng 7 năm 2021. Trời nóng 37 độ.
Tài liệu tham khảo
Phạm Hổ. (2001). Chuyện Hoa Chuyện Quả. NXB Kim Đồng.
Trần Đăng Khoa (1968). Góc sân và khoảng trời. NXB Kim Đồng.
K.G. Pautovsky. Bông hồng vàng và bình minh mưa. NXB Văn Học
H. Andersen. Truyện cổ Andersen. NXB Nhã Nam
Olumide, A. O., Greenwald, A. S., Chambers, C. E., Turkeltaub, P. E., Dromerick, A. W., Berl, M. M., Gaillard, W. D., & Newport, E. L. (2020, September 8). The neural basis of language development: Changes in lateralization over age. Https://www.Pnas.Org/Content/117/38/23477.