Read this article in English here
Hà Nội còn dăm ba thứ tử tế. Trong đấy thể nào cũng có ngõ. Ngoài đường hấp hoảng xe cộ, ồn ã đô thị hóa, bin đinh lấp lóa nắng chói chang thế nào không biết, vào ngõ chỉ có mát rượi. Và nếu rẽ vào một ngõ trên phố, thế nào cũng tìm thấy vài hàng quà. Mà cũng không hiểu vì sao các hàng quà trong ngõ rất hay bán cháo sườn.
Ký ức về Hà Nội với lũ thanh niên 8X đời chót như chúng tôi không giống nhiều với ký ức của lớp người đi trước. Có cố gắng truy hồi ký ức xa xôi đến mấy, thì cũng không tìm được Hà Nội bao cấp, tem phiếu trong trí nhớ. Sinh vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Hà Nội của tôi cũng đã bớt khó khăn đi nhiều. Tuy thế, ký ức về Hà Nội vẫn có những bồi hồi riêng. Ký ức về Hà Nội trong tôi là những chiều trùm kín áo mưa ngồi sau bác-ba-ga của bố đi từ trường mẫu giáo về nhà. Ký ức về Hà Nội trong tôi là những bữa quà xế ở trường mẫu giáo với hai thức “kinh điển” là cháo sườn và sữa chua,trăm hôm như một. Có lẽ cháo sườn là thứ quà cực kỳ phổ biến cho trẻ con thời kỳ ấy. Người lớn, cứ như một thứ mặc định, rất hiếm khi thấy họ ăn cháo sườn. Đến nỗi, tôi dám đoan chắc rằng đứa nào 8X cuối đời cũng có cho mình một “ký ức cháo sườn” như thế.
Thời gian gần đây, khi phong trào“hoài cổ” lên cao, một hàng cháo sườn trong Ngõ Huyện, một khu vực trung tâm Hà Nội, bỗng trở nên đông khách lạ thường với món cháo sườn quẩy ruốc, nghĩa là khác với cháo sườn “truyền thống”, cháo sườn ở đây sẽ có thêm ruốc cho thực khách. Việc kinh doanh của hàng cháo này cũng đậm đặc màu sắc Hà Nội: thường chỉ thấy mẹ và con gái (hoặc con dâu) bán hàng, sự xuất hiện của ông bố, khác với đa số các tuyên ngôn về vai trò của người đàn ông trong gia đình, lại vô cùng mờ nhạt. Chỉ khoảng nửa năm gần đây, khi nhu cầu lên cao, khách hàng mới bắt đầu thấy ông bố đứng quầy bán thêm bữa cháo sáng.
Có một quy luật bất thành văn: ở Hà Nội, những quán quà vặt ngon thường thâm trầm lùi sâu vào trong ngõ. Khách muốn tìm quán ăn ngon, thì phải chịu khó lọ mọ tạt ngang rẽ dọc. Ở đây, người trong ngõ hầu như là hàng xóm, đều quen biết nhau. Vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả,lúc thì chuyện vui, lúc thì chuyện xích mích láng giềng.
Cũng vì thứ ký ức từ thuở mẫu giáo xa xôi đó, tôi đặc biệt hay để ý đến các hàng cháo sườn. Có khi là quy luật thật, hàng cháo sườn ngon nhất bao giờ cũng ở cạnh các trường mầm non. tôi đã gặp một hàng cháo sườn mà từ mùi, vị đều y hệt ngày trước, nằm cuối ngõ 55 Hai Bà Trưng, ngay cạnh cổng sau của trường Mầm non 20-10. Cháo sườn ở đây “nguyên thủy”, được nấu bằng gạo ngon, xay bột nước thật mịn, rồi mới đem nấu, nên cháo nấu xong, ủ trong mấy lần vải, múc ra bát thơm lừng mùi gạo, đặc quánh, mà ăn đến cuối bát vẫn không bị vữa. Cháo chỉ ăn với quẩy ròn, không “lai căng” thêm ruốc,chỉ cần tí hạt tiêu, ớt bột là ăn vào ấm sực cả người. Chị bán hàng là dân sinh sống trong ngõ, bán hàng bao giờ cũng thưa, gửi, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ với khách hàng, khác hẳn vẻ cắm cảu thường thấy mà người ta hay nói về thị dân bán buôn Hà Nội. Tay cắt quẩy dính mỡ, không bao giờ cầm ngay vào thìa đưa cho khách, mà bao giờ cũng lót một tờ giấy ăn. Nếu khách đang dở tay nghe điện thoại,hoặc làm việc gì, chị sẽ nhẹ nhàng đặt bát cháo xuống trước mặt, chứ không bắt khách phải với tay ra đỡ bát bao giờ.
Chị đã bán hàng cho trẻ con mẫu giáo ở đây được ngót nghét hai chục năm, cũng là niềm an ủi cho mong ước làm mẹ không thành của mình. Vợ chồng chị lấy nhau được 10 năm mới sinh được một cô con gái. Nhưng ở với anh chị được 3 năm, đứa bé không may qua đời vì bệnh tim bẩm sinh. Chị nói, Hà Nội cho chị cơ hội sống trong môi trường nhiềutrẻ con, cũng là cách giúp mình tu tâm, nên ít khi chị nặng lời với ai câu nào…
Dứt buổi chuyện, tôi bước ra khỏi con ngõ nhỏ, lại choáng ngợp trước còi xe inh ỏi, như giật mình vừa bước ra khỏi cõi mơ mộng dịu dàng.