Tặng những phiên bản không ngừng trăn trở của tôi năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 và 2017
Tặng em Phương và Mai Hoa
Tặng những người bạn đã và đang từ chối một cuộc sống đi vào quỹ đạo và làm cái việc chẳng ai thích là trăn trở
Tôi còn nhớ câu chuyện đọc hồi nhỏ về một cậu bé được rạp xiếc nuôi để sau này làm thằng hề cho rạp. Cậu được chủ rạp xiếc cho vào một cái bình từ lúc còn bé tẹo. Mọi sinh hoạt đều được cậu thực hiện với chiếc bình bao bên ngoài; đến giờ ngủ, người ta chỉ đặt nằm cái bình xuống cho cậu tạm thoải mái mà nhắm mắt. Mười năm sau, người trong rạp xiếc đập vỡ cái bình và cho cậu ra ngoài. Lúc này, cơ thể cậu đã phát triển theo hình dáng chiếc bình; cậu đã trở thành chính chiếc bình đó.
Bạn có bao giờ tự hỏi bản thân mình đã được định hình bởi công việc như thế nào? Tôi hay nghĩ đến cậu bé lớn lên trong chiếc bình kia mỗi khi nghĩ đến công việc. Công việc không chỉ bao hàm kỹ năng và nhiệm vụ mà còn là một mạng lưới dày đặc những giá trị, nguyên tắc và thế giới quan cố hữu của ngành, của công ty, của cộng đồng mà tôi gắn bó. Tôi làm việc từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày một tuần, 288 ngày một năm và dành chừng đấy thời gian để nhìn xung quanh, hoà nhập, phát triển không chỉ kỹ năng mà còn cả tính cách theo yêu cầu của công việc. Công việc là chiếc bình mà tôi tình nguyện chui vào ấy cho tôi biết khi nào cử động hoặc cả xương thịt của mình là thừa thãi, cần phải ngừng lại hoặc teo đi, bằng lớp men cứng gò chỗ này, thắt chỗ kia. Đi làm đã được 10 năm, chiếc bình làm nên tôi đó có hình dáng như thế nào?
Người ta viết nhiều về ký ức giả (false memory) còn tôi đã trải nghiệm “hiện thực giả” (false reality) hai lần; nghĩa là có hai lần tôi nhận ra được rằng mình đã thấy một vật trong thực tế không hiện diện hoặc một việc trong thực tế hoàn toàn không xảy ra. Tôi không chắc mình đã trải nghiệm hiện thực giả như vậy tổng cộng bao nhiêu lần rồi.
Trải nghiệm thứ nhất là khi tôi đến thăm nhà bạn sau vài năm không gặp. Nhà bạn tôi nằm trong một khu chung cư; các nhà san sát nhau. Bạn tôi sợ tôi không tìm được nhà (mặc dù đã đến chơi không dưới mười lần) nên đã treo ngoài cửa một sợi dây thừng màu xanh với nút buộc dân leo núi hay dùng (chúng tôi hay leo núi (rock climbing) cùng nhau). Tôi leo lên đúng tầng, đi dọc hành lang và thấy một nhà với sợi thừng xanh buộc ngoài cửa. Khi tôi chuẩn bị đẩy cửa bước vào thì bạn tôi thò mặt ra gọi tôi từ căn nhà bên cạnh và càu nhàu tại sao đã treo sợi thừng trước nhà như thế mà tôi vẫn còn nhầm được. Tôi phải mất mấy phút cãi lại rằng “Đâu, nhà này cũng có sợi thừng đấy chứ” rồi nhìn lại cửa nhà kia để nhận ra “ô kìa, sợi thừng màu xanh mình thấy ban nãy đã biến đâu mất”. Hoá ra tôi vừa nhìn thấy rất rõ ràng bằng chính mắt mình một vật không hề hiện diện.
Trải nghiệm thứ hai là tại bàn ăn tối cùng nhóm bạn leo núi tại Lào. Tất cả chúng tôi đều đói ngấu sau một ngày leo trong cái nắng gay gắt nên vừa ăn uống vừa nói chuyện rôm rả. Bỗng nhiên Julien, bạn tôi ngồi bên cạnh với tay lấy đĩa đồ ăn thế nào làm đổ cả cốc nước của tôi. Tôi thấy bạn tôi bỗng dưng ngồi đần ra, không làm gì thì trong bụng thắc mắc sao ông này làm đổ nước của mình mà lại không nói câu nào. Tôi bèn vừa lau chỗ nước đổ trên bàn vừa mắng Julien sao vụng về thế. Cả bàn bỗng nhiên im phăng phắc và mấy người bạn ngồi đối diện mới từ tốn bảo tôi rằng chính tôi chứ không phải Julien mới là người tự làm đổ cốc nước của mình. Vậy ra tôi vừa nhìn thấy và nghĩ mình là nạn nhân của một việc không hề xảy ra.
Chuyện chẳng có gì ghê gớm nhưng là người coi việc nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng là tối quan trọng, đối với tôi, hai trải nghiệm xảy ra gần như liên tiếp này là hồi chuông báo động. Tôi đã nhìn thấy sợi dây, tôi cũng đã nhìn thấy bạn tôi vung tay làm đổ cốc nước. Làm sao mà những gì tôi thấy hiển hiện ngay trước mắt như vậy lại không có thật được? Tôi đã nghĩ rất nhiều về hai trải nghiệm này, dò lại từ đầu những gì đã xảy ra, không phải bên ngoài mà là bên trong tâm trí mình. Ở cả hai lần, tôi đều nhìn sự việc qua lăng kính của sự kỳ vọng – kỳ vọng nhìn thấy sợi dây hoặc kỳ vọng rằng lỗi là ở người khác, không phải mình. Đó là một dạng mù tâm lý (inattentional blindness) xảy ra khi tôi chỉ chăm chăm tìm kiếm thứ mà mình mong đợi đến mức hoàn toàn bỏ lỡ mọi thứ khác dẫu hiển nhiên nhưng nằm ngoài vùng chú ý của mình. Vậy thì khuynh hướng này có gốc rễ ở đâu?
Mười năm đi làm; cuộc sống dù trong hay ngoài giờ làm đều là một chuỗi những hoạt động tiêu tốn thời gian – thứ tài nguyên khan hiếm mà tôi luôn phải tận dụng tối đa. Tôi đi như chạy; kể cả khi đang ở trên thang cuốn tôi cũng vẫn bước tiếp. Tại sao lại dừng lại khi mình có thể đi nhanh hơn? Có những lúc tôi thấy mình tìm cách vượt người trước mặt trong vô thức, như thể còn ai đó trước mặt có nghĩa là tôi đang lãng phí thời gian vào việc đi chậm. Một tiếng trước khi ra sân bay đi công tác, tôi luôn lên kế hoạch cụ thể việc gì sẽ làm trên taxi chiều đi, việc gì làm trên máy bay, việc gì làm trên taxi chiều về và mở laptop ngay khi bước vào xe, không để một phút nào lãng phí. Ở công ty tôi ai cũng được phát một tấm chắn màn hình máy tính để có thể làm việc thoải mái ở bất cứ đâu mà không sợ người khác thấy màn hình máy mình. Thỉnh thoảng khi đang trong nhà vệ sinh, tôi thấy tâm trí mình thì thào đầy thống thiết “Nhanh lên! Nhanh lên! Nhanh lên!” trong lúc đang vừa rặn vừa viết tiếp slide báo cáo đang làm dở trong đầu.
Hồi làm việc ở Sài Gòn, tôi hay xem phim Phineas and Ferb trên Disney Channel trong lúc ăn sáng trước khi đi làm. Series phim hoạt hình này thường chiếu trên tivi hồi những năm 2008, 2009, kể về hai cậu bé Phineas và Ferb thông minh thiên tài dành cả mùa hè để tạo nên những kế hoạch khó tin như làm bãi biển ở sân sau, sử dụng máy tạo đá bào để làm mùa Đông Hạ (S’winter) hay tìm con cá vàng của bạn bị mất tích trên biển. Mỗi tập phim đều bắt đầu với câu hỏi của Phineas: “Ferb, hôm nay bọn mình sẽ làm gì?” “Hôm nay mình sẽ làm gì?” “Hôm nay mình sẽ làm gì?” Tôi không bắt đầu một ngày như thế. Câu hỏi dành cho ngày mới của tôi là “Hôm nay mình phải làm gì?” hoặc là “Hôm nay phải làm xong việc gì?”. Từ ngày đi làm, bắt đầu một ngày mới với tôi nghĩa là từ bỏ quyền tự do được lựa chọn hôm nay mình sẽ làm gì để phục tùng chế độ độc tài mang tên Công Việc. Tôi nhớ mãi một tập phim gọi là Ngày không làm gì hết (“Do-nothing day”). Đúng như tên gọi, trong cả tập phim đó, Phineas và Ferb chẳng làm gì cả, chỉ nằm ngoài vườn ngắm trời mây. Ngày nào tôi cũng khát khao được có một ngày tự do để làm bất cứ điều gì mình thích, những điều ngớ ngẩn, tầm thường nhất, kể cả khi đó là không làm gì.
Tôi cứ nghĩ nếu mình có thể tăng tốc độ làm việc lên, bắt mình tập trung hơn, luyện tập đầu óc cho nhanh nhạy hơn, có nhiều kiến thức hơn thì cuối cùng, tôi sẽ vừa làm xong được việc mà lại vẫn có thời gian để làm những việc khác mà mình thích. Năng suất và giá trị cho công việc dần trở thành trọng tâm cho mọi lựa chọn của tôi. Tôi hầu như chỉ đọc sách non-fiction, không tiểu thuyết, không thơ, không sách tiếng Việt. Facebook của tôi toàn các báo, các chuyên trang về phân tích văn hoá xã hội; tôi chỉ theo dõi các bạn hay chia sẻ bài viết hoặc quan điểm thú vị, còn ai hay up ảnh selfie thì unfollow. Khi đi nghe hoà nhạc hoặc xem triển lãm, thỉnh thoảng, khi có thể tự tách rời cái nhìn của mình khỏi dòng chảy ý thức cuồn cuộn, hỗn độn trong đầu, tôi thấy mình chỉ nhìn một bức tranh vài giây, nhắm mắt nghe bản nhạc được vài phút rồi sau đó loay hoay cân nhắc khung hình và lẩm nhẩm dòng status để lát nữa đi ăn sẽ post, như thể tôi đang nhìn thế giới xung quanh qua những đường lưới của khung ngắm máy ảnh, xa cách và hạn hẹp. Có những cuối tuần tôi chỉ muốn không làm gì hết, xoay chiếc đồng hồ trắng vào tường, nằm ngắm trời hay ngồi ở ban công chăm cây nhưng giọng nói trong đầu cứ giục giã tôi ra ngoài, tìm một nhà hàng mới hoặc một quán cà phê theme lạ; làm điều gì đó mà xã hội xung quanh, bạn bè, đồng nghiệp tôi coi là hay ho – những thú vui có thể làm tăng giá trị xã hội (social currency) của tôi, thu thập những câu chuyện mà tôi có thể tự tin chia sẻ với đồng nghiệp bên máy pha cà phê sáng thứ Hai (Không-làm-gì-cả chắc chắn không phải là một trong số những câu chuyện đó). Và thế là tôi có thêm cả to-do list cho vui chơi. Vui chơi thư giãn có nghĩa là chạy đua từ “việc” thư giãn này sang “việc” vui chơi khác. Một ngày vui là một ngày năng suất, làm được càng nhiều việc vui chơi thư giãn càng tốt.
Sau này tôi nhận ra vào thời điểm đó mình đã vô thức phân loại thế giới xung quanh thành hai nhóm: Hữu Ích – Vô Dụng và dựa vào đó để ưu tiên sự chú ý của mình. Giống như đeo một cặp kính lọc dữ liệu từ sáng tới tối, tôi chỉ nhìn thấy những thứ tâm trí tôi cho là hữu ích (cho tôi). Nói về thế giới quan này, Jenny Odell, trong quyển “Làm thế nào để không làm gì: Phản kháng lại nền kinh tế chú ý” (“How to do nothing: Resisting the attention economy”) đã dẫn quan điểm của triết gia Martin Buber như sau: “Trong cuốn sách viết năm 1923, “I and Thou”, Martin Buber đã phân biệt hai cách nhìn – “I-It” và “I-Thou”. Trong I-It, người kia hoặc vật kia là một “thứ” chỉ tồn tại như công cụ để đạt mục đích, một thứ gì đó chỉ để được sử dụng bởi “I”. Một người chỉ nhìn xung quanh qua lăng kính I-It sẽ không bao giờ gặp gỡ được điều gì nằm ngoài anh ta bởi vì anh ta không thực sự gặp gỡ. Như Buber nói, một người như vậy “chỉ biết đến thế giới đầy phấn khích ngoài kia và sự bồn chồn ham muốn sử dụng nó…Khi anh ta nói “Ngươi”, ý anh ta là: “Ngươi, tiềm năng sử dụng của ta!”
Tôi không muốn là “I” trong mối quan hệ “I-It”. Tôi không muốn nhìn thế giới như thể mình chỉ đang lọc dữ liệu. Tôi không muốn “năng suất” trở thành từ duy nhất định nghĩa cuộc đời mình. Tôi không muốn coi vạn vật xung quanh như thể chúng tồn tại chỉ để cho tôi sử dụng. Tôi muốn là một phần của thế giới xung quanh mình.
Thế nên tôi đi học vẽ.
Khi tôi vẽ, vạn vật như được khảm xà cừ; có một cầu vồng nho nhỏ xung quanh những vật tầm thường nhất. Chiếc đồng hồ nhựa trên giá sách, cây hương thảo chết khô trên ban công nhà bạn, cây cột tạc chữ Chăm trong bảo tàng Quy Nhơn; tất cả đều tồn tại, đều đáng giá, đáng nhìn, đáng lưu giữ.
Khi vẽ, tôi tự do. Chẳng có mục đích gì cho việc tôi làm. Tôi để thế giới xung quanh cuốn mình vào quỹ đạo của chúng. Tôi ngắm nhìn cái bóng ấm áp của mây khi chúng kéo đến lơ lửng ngoài cửa sổ rồi lại dõi mắt theo lớp màu xanh lạnh mà đám mây mưa đang rải lên những toà nhà xa xa. Tôi lặng yên nghe tiếng em bé hát nghêu ngao ngoài ban công ngôi nhà cổ phố Chân Cầm. Tôi để lông tơ mềm trên hạt hoa sữa lướt nhẹ qua má. Tôi như là con sứa (được là con sứa là một giấc mơ đầy thống khổ từ hồi đi làm, hình như lấy cảm hứng từ Nobita), dập dềnh trên biển, thấm đẫm nắng gió, ngẫu hứng để sóng cuốn đi.
Em bé chơi một mình tại một quán cà phê bên biển Vịnh Hoà, thị xã Sông Cầu
Vẽ đưa tôi quay về lại với ánh mắt hồn nhiên – bỏ sang một bên mọi kì vọng hay diễn giải, nhìn sự vật như nó là. Vẽ một cái cây nghĩa là đưa những cái chạm lên trang giấy – cái chạm lên thân cây, để những lớp sóng vỏ cây đưa tôi đến cái núm cây từ vết chặt đã lâu ngày, lên cành cây gân guốc, tới hoa, tới lá, tới quả…
Vẽ là thoát khỏi con đường cao tốc của thời-gian-là-tiền bạc – thời-gian-năng-suất, cho mình thảnh thơi đi trên con đường mòn nơi tôi có thể nhấm nháp niềm vui được ngắm nhìn thế giới. Nói hơi sến một chút, chớm già rồi, hạnh phúc chỉ cần có thế thôi.
“Longest is the life that contains the largets amount of time-effacing enjoyment”
John Muir
Reference
Odell, J. (2020). How to Do Nothing: Resisting the Attention Economy. Melville House.
By L.L
Hà Nội tháng 6 năm 2021. Cơn mưa hạ đầu tiên.