Read this article in English here
Bắt đầu từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, những công trình “đặc trưng” của Hà Nội vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay đã được thành hình, đó là những khu nhà tập thể.
Trước tiên là để đáp ứng nhu cầu của cán bộ công nhân của các cơ quan tại Thủ đô, thành phố đã cho xây dựng khu tập thể Kim Liên với tiêu chí “ở tập thể, ăn tập thể”. Khu tập thể đầu tiên này được bố trí mộtphòng tắm và một phòng vệ sinh ở hai phía, phòng ngủ ở giữa và không có bếp vì thời điểm đó hầu hết các cán bộ công nhân viên ăn tập thể tại phòng ăn chung mà giờ là khách sạn Kim Liên. Tuy nhiên, mô hình này cũng chỉ được áp dụng duy nhất tại khu tập thể Kim Liên, bởi sau đó, những người làm tại các cơ quan Nhà nước mang theo gia đình của mình lên thành phố, nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình vì thế cũng tăng lên. Và lần lượt các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Thanh Xuân, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự… ra đời nhưng bố trí với đầy đủ các phòng cho một gia đình. Ban đầu, một căn hộ thường được phân cho 2 gia đình, loại gia đình hạt nhân: bố mẹ và con. Như hầu hết các loại tài sản vào thời điểm đó, nhà ở cũng không có quyền sở hữu riêng, mà mỗi gia đình ký hợp đồng thuê lại của Nhà nước với giá khoảng vài hào.
Xây dựng các nhà cao tầng thời ấy rất khó khăn, đất để xây dựng các khu tập thể hầu hết là ruộng đồng lầy lội, cỏ lau mọc um tùm, phảicải tạo rất nhiều. Khu đất để xây khu tập thể Nguyễn Công Trứ bây giờ, trước kia là bãi tha ma của lính Pháp, để xây dựng được, Sở Xây dựng phải cho người khử trùng, vệ sinh, rất vất vả. Nhà tập thể thời đó được xây từbê tông tấm lớn, học tập theo cách của Liên Xô (cũ). Từng tấm bê tông được xe tải chở từ nhà máy bê tông tại Xuân Mai đến tận công trình rồi mới hàn lại với nhau, một số ít thì được lắp ghép sẵn khung rồi mới xếp gạch vào. Đó là lý do vì sao những ngôi nhà tập thể này được gọi là nhà “lắp ghép”.
Ngày ấy, cán bộ muốn phân nhà phải bình xét từ ở cơ quan, dựa theo chỉ tiêu do Ủy ban nhân dân phân xuống cho từng cơ quan, bình xét xong, đủ tiêu chuẩn thì mới gửi đơn lên Sở Nhà đất. Cũng không khác thực trạng bây giờ là bao, nhu cầu nhà ở thì cao mà số lượng nhà phân thì có hạn, hằng ngày, văn phòng của Sở Nhà đất tiếp nhận hàng chồng hồ sơ xin phân nhà. Từ đây cũng nảy sinh một vài tiêu cực như người có nhu cầu thì không được phân nhà trong khi người không có nhu cầu thì lại được ưu tiên. Đến mức Ban Thanh tra nhà đất đã được thành lập để kiểm tra công tác phân phối nhà có công khai, chính xác không. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội lúc bấy giờ đã nghĩ ra một cách để kiểm tra người được phân nhà có thực sự có nhu cầu hay không. Đó là sau khi ký hợp đồng thuê nhà, buổi tối, ông Huy sẽ đến từng khu nhà, nếu nhà đã phân mà không có ánh đèn, tức là nhà không có người ở, người được phân nhà chưa thực sự có nhu cầu.
Vào thời điểm ấy, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thi công, xây xong, Sở Nhà đất sẽ đến nghiệm thu và phân nhà. Công việc có vẻ được tiến hành khá nhanh chóng và nghiêm túc, ít có chuyện đút lót, xin xỏ. Ông Vũ Trọng Nho, nguyên Chánh Văn phòng Sở Nhà đất Hà Nội cho biết: “Chúng tôi làm không tínhngày giờ, làm đêm làm ngày, xây đến đâu, phân đến đấy, chỉ nhằm một mục đích làđể người dân có chỗ ở. Tuy thế, chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu, không có chuyện ăn xén, ăn bớt”.
Có một điều cần lưu ý là các công trình thời kỳ đầu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” mang đậm tinh thần đoàn kết cộng sản. Chẳng hạn như trường Bách Khoa được Liên Xô (cũ) đầu tư quy hoạch trong khi trường Đại học Thủy lợi do Trung Quốc giúp đỡ. Ở nước ta còn xây dựng hẳn một khu chuyên phục vụ cho chuyên gia Liên Xô (cũ) đến làm việc, mà nay là khách sạn Asean trên đường Chùa Bộc và khách sạn Liễu Giai thì dành riêng cho chuyên gia Trung Quốc. Thậm chí, trong thời kỳ này, thanh niên đi lao động kiến thiết tổ quốc thường hát bài Việt-Trung-Xô để nâng cao tinh thần.
Ngày nay, những khu tậpthể đã trở nên nhếch nhác với những “chuồng cọp” phình to cũng tỷ lệ với số dân ngày càng tăng lên. Thế nhưng, những ngôi nhà tập thể này trong quá khứ đã từnglà biểu tượng của thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa.
(ghi theo lời kể của ông Vũ Trọng Nho)
Đoàn Hương