Read this post in English here 

Kỷ niệm thêm một mùa hè covid nữa. Hôm nay Sài Gòn lại tiếp tục giãn cách đợt hai.

Những ngày này mình chỉ ra ngoài một tuần một lần vì ở chung với các cụ. Không ra ngoài vẽ được là cơ hội để mình hướng sự chú ý vào bên trong nhà nhiều hơn, vẽ các đồ vật trong nhà và suy ngẫm về khái niệm “nhà”.

Nhà đầu tiên là gia đình, là bố mẹ, những âm thanh, mùi hương, hình dáng của cụ bố và cụ mẹ. Một ngày ở nhà là tỉnh dậy với tiếng lách cách khi mẹ nấu nướng trong bếp, tiếng bố kéo dàn phơi quần áo ken két ngoài ban công vào buổi trưa trước khi cả nhà cùng ăn cơm, tiếng bộ phim Hàn mẹ đang xem léo nhéo ngoài phòng khách lúc bố mẹ vừa đo huyết áp vừa cắn hạt bí hay là màu áo vàng cam của mẹ dưới bóng nắng trong bếp. Mình có vẽ bố mẹ vài bức nhưng khi thì vẽ xấu quá, lúc khác thì có vẻ hơi thô, ví dụ như cảnh bố thu quần xi líp cho hai mẹ con (mặc dù mình thấy cảnh này vừa thật và vừa đáng yêu) nên hai cụ mỗi lần thấy con vẽ hay giơ máy lên chụp là né.

ký hoạ, Gia đình, bố mẹ ngồi xem tivi, bàn ăn
Để vẽ bức này phải ngồi trong phòng mở cửa rình rình vẽ lúc hai cụ đang xem phim

Nhà là nhà của bố mẹ với đủ thứ đồ lỉnh kỉnh tích trữ lâu ngày và đồ đạc theo phong cách của các cụ. Mình hay lăm le muốn đem cho bớt đồ đi nhưng dĩ nhiên là không được rồi. Nhà của cụ nên cụ có quyền!

Đồ đạc và cây cối đánh dấu thời gian đã qua và mang bao nhiêu là kỷ niệm.

ký hoạ, ban công, chung cư, cây thiết mộc lan, kim ngân, cây nhài, hoa giấy, hoa mộc

Cây thiết mộc lan, cây kim ngân, cây nhài và cây hoa giấy ngoài ban công. Sau này còn có thêm cây hoa mộc mình mua tặng sinh nhật bố, giờ đang ra các chùm hoa li ti, thơm man mác khắp các kẽ lá và cành.

máy tập chạy, ký hoạ, nhà

Cái máy tập chạy kiêm thêm đủ thứ đồ tập khác bố mua từ những năm 2000 thì phải, mất 6 triệu. Máy trông như cái tàu bay Liên Xô cồng kềnh choán mất một góc nhà. Hai mẹ con giục bố đem đi cho mãi vì để mấy chục năm không tập, thế mà bây giờ máy lại phát huy tác dụng khi các phòng gym đóng cửa vì covid.

nhà, phòng ngủ, đồ đạc cũ, ghế, giường, tủ, quạt, ký hoạ

Nhà cũng là phòng riêng của mình nữa nhưng thật ra vì đi làm xa nhà hết gần mười năm nên phòng mình toàn đồ của các cụ hoặc do các cụ mua cho con gái. Cái bàn trang điểm mang từ nhà cũ từ cách đây mười sáu năm nhưng vẫn dùng tốt. Cái ghế lăn kia vẫn còn nguyên bao nhiêu là vết cào của hai con mèo nhà nuôi từ hồi mình học đại học. Tự dưng hôm qua chạm vào phần lưng ghế nham nhở lại nhớ mấy chú mèo ngố, vừa cào phành phạch vừa ngó mình xem bao giờ bị đuổi. Mèo chắc đã chết lâu rồi. Không biết trong lưng ghế có tình cờ sót lại cái móng nào của tụi nó không nhỉ?

ký hoạ, nhà, ban công, cửa sổ, hoa muồng hoàng yến, Hà Nội, hoa sữa, hồng xiêm

Nhà là một góc nhìn ra thế giới bên ngoài, một cửa sổ mát mẻ và an toàn để mình thoả thích ngắm nhìn xung quanh. Mình rất yêu khung cửa sổ phòng ngủ. Xung quanh khu nhà mình là các nhà thấp tầng; các toà nhà cao tầng nằm lùi ra phía sau nên ngồi trong phòng vẫn có thể phóng mắt ra hơi xa xa một tí 🙂 để thấy bầu trời. Vào mùa hè, Hà Nội đỡ âm u và ô nhiễm, trời một màu xanh lơ với tầng tầng lớp lớp mây lững lờ. Sáng mùa hè tỉnh dậy chẳng cần làm gì, chỉ cần nằm ngửa mặt lên nhìn trời và mây lướt ngang ngoài cửa sổ là đủ thấy hạnh phúc vô bờ rồi. Ngoài cửa sổ không chỉ có trời mây mà còn có cây hoàng yến hoa vàng óng ánh trong nắng, thả nhẹ hàng chùm xốp xốp, cây hồng xiêm lủng lẳng những trái nâu đỏ, cây cau cảnh lá xoã xượi nhưng lá non thì nhọn hoắt lên trời, cây phượng giờ này không hiểu sao mới chỉ lác đác đỏ thắm vài chùm hoa và cây sữa nhìn từ trên cao xuống lá như thể những đôi mắt nai màu xanh. Được ngắm nhìn thoả thích sướng như thể đang cắn một quả mọng mùa hè trong lúc dầm chân trong suối mát vậy. Thật chẳng cần gì hơn.

ký hoạ, nhà, toilet, nhà vệ sinh, thạch sùng, nhện, chai lọ

Nhà không chỉ là của con người mà còn là nơi trú ngụ của các sinh vật khác nữa. Trong tranh này mình vẽ chú thạch sùng bị đơ khi mình bất ngờ vào phòng tắm. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, chú thạch sùng béo ú trơ khấc, bám cứng chỗ góc tường ngang mặt mình, không dám nhúc nhích. Mình quay lại phòng lấy máy ra chụp để vẽ lại mà chú vẫn chưa chạy đi. Phải một lúc sau chú mới hoàn hồn, vội vã ù té.

Đốm màu nâu đỏ phía dưới giá để xà phòng là chú nhện định cư trong xó đấy. Mình không thích nhện lắm nhưng không bao giờ muốn giết nhện vì nó có làm gì mình đâu. Thỉnh thoảng đi đái nhìn nhện thập thò lơ lửng ngang mặt cũng hơi khó chịu nhưng vẫn cố gắng kiềm chế ham muốn giết các loài vật mình thấy trông gớm gớm. Có khi nhện nhìn cái mặt mình cũng thấy ngứa mắt chăng?

ký hoạ, nhà, toilet, nhà vệ sinh, bồn cầu, bồn tắm, xô chậu

Có những ngày nhà chỉ là bốn bức tường ngột ngạt, nhất là khi covid đang ở ngoài kia và mình không được ra ngoài. Nhà vừa an toàn nhưng cũng lại vừa bức bối. Những lúc này, mình vẫn cảm thấy may mắn vì có một cuộc sống với ít thứ phải lo nghĩ. Bố mẹ vẫn khá khoẻ mạnh, mình không có con cái và thất nghiệp vài tháng đối với mình không có gì quá đáng lo.

nhà tập thể, khu tập thể, Kim Liên, Hà Nội, cây me, tường vàng, cơi nới, ban công tổ chim, chuồng cọp

Gia đình mình ngày xưa chuyển nhà khá thường xuyên nên nhà của mình, phòng của mình cũng nhảy cóc qua mấy đầu thành phố. Ngày xưa nhà mình ở Kim Liên và phòng mình là một cái tổ chim như thế này. Sau này nhà mình còn chuyển qua nhiều nơi nữa nhưng lần nào cũng đều là một khu nhà tập thể, và phòng mình vẫn luôn được đặt trong một cái tổ chim cơi nới. Vì những năm tháng đó nên mình vẫn luôn thích các khu nhà tập thể xinh xắn và lộn xộn, thòi ra thụt vào. Nhưng mà đấy là thích ngắm, thích vẽ, thích đến chơi thôi chứ không ở nhà tập thể nữa đâu. Xin lỗi nhà tập thể nhé 🙂

ký hoạ, Singapore, chậu cảnh, sân nhà chung cư

Lúc đi làm xa thì nhà được dời sang một chung cư nhỏ trên một con phố vắng ở Toa Payoh.

Khi còn bé, mười mấy hai mươi tuổi và mang trong mình bao nhiêu năng lượng không biết tiêu vào đâu, mình chỉ muốn biến khỏi nhà. Nhà là nơi của luật lệ lắm khi áp đặt, là sự thiếu thốn không gian riêng, thiếu thốn sự tĩnh lặng mà mình cần để có thể nghe thấy tiếng nói của mình. Năm hai mươi tuổi, mình chọn thực tập trong Sài Gòn mà không lưỡng lự. Mình chỉ muốn đi. Và từ đấy mình cứ làm xa nhà, không nghĩ rằng mình sẽ có ngày quay trở lại vì mỗi lần về nhà, mình lại được nhắc nhở về những điều phải làm, mà mình thì không còn nghĩ mình “phải” làm gì nữa. Vậy nên mình cứ đi mãi thôi. Khi cả mình và nhà cùng trưởng thành và trầm tĩnh hơn, không ai còn cảm thấy người kia phải làm gì nữa. Không ai phải về nhà cả; khi nào thích thì về nhà thôi. Ở nhà là ở cho đến khi muốn đi tiếp và khi ở nhà thì thực sự thấy “at home”.

Ngày xưa rời khỏi nhà để thoát khỏi các luật lệ nhưng bản thân mình lại bám vào những điều “nên”, “phải” mà người khác cho là đúng. Mới mấy tháng trước thôi mình còn hăm hở tìm mua nhà riêng. Mình muốn có nhà riêng vì mình nghĩ ba mấy tuổi rồi thì cần có nhà riêng. Nhà riêng nghĩa là nhà đứng tên mình, đồ đạc, thiết kế, mọi thứ phải y chang như ý mình muốn. Khi cuộc sống đang ở trạng thái hỗn loạn và khó lường, ý nghĩ về nhà riêng mang lại cho mình mục đích và ý niệm về sự ổn định trong tương lai. Mọi sự sẽ ổn thoả và vào trật tự ngay khi mình có nhà riêng. Sau này nghĩ lại mình nhận ra đây chính là arrival fallacy. Ý muốn mua nhà của mình không xuất phát từ nhu cầu thật. Mình còn muốn mua nhà vì cảm thấy áp lực từ xung quanh nữa, áp lực là ai cũng có nhà riêng và sở hữu nhà thì nghe to tát hơn là có thể mua nhà nhưng ở chung với bố mẹ. Dù có thích tự huyễn rằng mình là người có suy nghĩ độc lập, khi nhìn lại mình vẫn bị ảnh hưởng từ những điều tưởng chừng vô hình xung quanh. Chẳng có ai thúc ép mình mua nhà cả. Chỉ là quan niệm của xã hội (phương Tây?) vẫn luôn gắn sự hình thành hoàn chỉnh của một cá nhân với việc tách rời khỏi nhà bố mẹ họ. Có nhà riêng được coi là dấu mốc của sự trưởng thành và thành công. Khi mình ngồi xuống tính toán các con số thiệt hơn giữa mua nhà và thuê nhà cũng như viết ra nhu cầu thật thì mình nhận ra, tất cả những thứ suy nghĩ kia chỉ là tưởng tượng. Tất cả mọi ý niệm đều nằm trong đầu mỗi người. Nhiều người cùng nghĩ như vậy không có nghĩa là mình cũng phải nghĩ như vậy, không có nghĩa là nó đúng trong mọi trường hợp. Đối với mình, nhà không đánh dấu sự trưởng thành. Đối với mình, sở hữu nhà không phải là thành công.

Rồi mình nghĩ về những năm tháng sống xa nhà hoặc sống một mình. Đến bây giờ mình vẫn thích được sống ở mỗi nơi vài tháng. Nhờ công việc có thể làm từ xa nên mình có thể tạm thời chuyển nhà đi khá dễ dàng (khi sức khoẻ của bố mẹ vẫn còn ổn). Năm ngoái mình xuống Gia Lai ở vài tháng trốn không khí ô nhiễm và covid cũng như dành cho mình một chút không gian riêng. Mỗi lần chuyển đi đâu vài năm hoặc vài tháng như vậy, nhà rút xuống còn vừa đúng hai chiếc vali. Mấy năm gần đây, khi nào đi đâu tầm vài tháng, mình đều cho vào vali vài đồ vật nhỏ mang lại cho mình cảm giác “ở nhà”. Vật thứ nhất là chiếc đồng hồ Maruko có thiết kế đơn giản bằng nhựa màu trắng, trơn và vuông vức, từ lúc mua đến giờ vẫn không ngừng tick tak khe khẽ (Đồng hồ nhìn đơn giản vậy nhưng Muji bán tận 60 đô – thật là đắt đỏ). Thứ hai là chiếc hộp mây của Việt Nam nhưng cũng mua ở Muji, hơi thô ráp, màu vàng mật ong như màu nắng. Sau này mình còn mang thêm một tác phẩm gỗ cắt hình Hei-Tiki của một khách hàng dễ thương người New Zealand tặng. Khi mình mở vali ra và đặt chiếc đồng hồ, cái hộp mây và bức tranh gỗ cắt lên giá, căn phòng xa lạ bắt đầu mang cảm giác giống nhà mình hơn. Có lẽ vật liệu tự nhiên hoặc hình dáng vuông vức của những món đồ này mang lại cho mình cảm giác ấm áp và vững vàng.

Cuộc sống của mình những ngày này khá bình lặng. Tuy tĩnh lặng như vậy nhưng ngày nào cũng đầy chặt những việc mình thích: vẽ, viết, học hành, đọc sách báo, nghe podcast mình thích và lại đọc thêm chút nữa. Lúc này cũng giống như khi ngồi trong căn phòng ở Pleiku nhìn ra hoàng hôn chín đỏ ngoài cửa sổ, mình đang chậm rãi tận hưởng cảm giác “at home”, được là chính mình, làm điều mình thích, nhìn ngắm thế giới mình yêu.

ký hoạ, Gia Lai, Pleiku, bầu trời, nhà, nhìn từ cửa sổ, dây điện, hàng cây đằng xa, trời nhiều mây

L.L

Hà Nội mùa hè năm 2021