Hồi tôi còn làm việc ở một công ty nghiên cứu thị trường, công ty tôi hay tổ chức những buổi nói chuyện gọi là “Cultural Breakfast” để thảo luận, đào sâu về một khái niệm hoặc xu hướng văn hoá mới với khách mời hoặc với người thuyết trình là chính nhân viên công ty. Bài nói chuyện mà tôi nhớ nhất là về trải nghiệm đau đớn, từ bối cảnh văn hoá là sự nổi lên của các giải đua kiểu như Spartan hoặc Tough Mudder Race, nơi người đua phải vượt qua nhiều chướng ngại vật, trong đó có lội bùn, vượt qua bể đá ngập tới cổ và thậm chí là bị dây điện 10 nghìn vôn chích. Diễn giả là một giáo sư đại học, liên hệ sự phổ biến của các giải đua này với một hiện tượng xã hội là sự mất kết nối với cơ thể, thậm chí là tê liệt cơ thể. Theo ông, con người trong xã hội hiện đại đang tìm tới trải nghiệm đau đớn về thể xác để tìm lại sự kết nối với chính cơ thể mình. 

Bài nói chuyện dựa trên các nghiên cứu thấu đáo của giáo sư nhưng giờ thì tôi không còn nhớ các số liệu, thậm chí là cả tên ông giáo sư nữa. Tôi chỉ nhớ khi vừa nghe đến đó, tôi đã nghĩ ngay đến mình. Công việc của tôi, trừ những lúc phải đi phỏng vấn ra – tầm một tuần mỗi tháng, chủ yếu là ngồi một chỗ và phân tích; mông dính vào cái ghế ergonomic còn mắt thì dán chặt vào màn hình máy tính, mười hai tiếng một ngày. Mới mười phút trước thôi, tôi còn đang vò đầu bứt tai, căng não ra nghĩ báo cáo. Nhiều khi tôi cảm giác như cơ thể mình co lại lại chỉ còn cái đầu giống quả bóng với cặp mắt thô lố, lơ lửng gần màn hình máy tính và mười đầu ngón tay gõ lách cách không ngừng, kết nối với cái đầu qua bluetooth. Tôi chỉ cảm thấy mình có một cơ thể khi nó làm phiền tôi, khi nó đòi đi vệ sinh, đòi được ăn, đòi được nằm vì ngồi lâu đau lưng. Những lúc khác, cơ thể tôi hình như không tồn tại. 

Merleau-Ponty, triết gia Hiện Tượng Học (Phenomenology) nổi tiếng của Pháp cho rằng cơ thể là cơ sở để ta nhận biết thế giới, rằng ta không “sở hữu” (“have”) mà là “sống” (“inhabit”) trong cơ thể của mình, trải nghiệm cuộc sống cũng như thế giới với nó và qua nó. Ông quan niệm rằng có một “cơ thể khách quan” – thể xác của ta với các kích cỡ cụ thể, cân nặng, chiều cao, mắt cận bao nhiêu độ, thứ mà ta tiếp xúc với khi bước lên cân hay khi chụp ảnh selfie nhưng quan trọng hơn nhiều là “cơ thể sống và hiện diện” (“lived body”) – cơ thể mà qua nó, ta chạm, cảm nhận và chuyển động. Theo ông, chính khái niệm thứ hai này đã xác lập con người là chủ thể thân xác – cơ thể ta và thứ ta nhận thức không thể tách rời nhau. (Dan Nixon, 2020). 

Mỗi sáng tỉnh dậy, tôi mang thứ cơ thể nào ra ngoài thế giới?  Khi cơ thể của tôi không được sống, không được chạm, không được cảm, không được chuyển động, thế giới mà tôi nhận thức là thế giới như thế nào và cuộc sống của tôi – một cá thể trong chính thế giới mà ý thức của tôi tạo nên – là một cuộc sống như thế nào? 

Cô đơn, có lẽ thế. Tôi thấy mình xa lạ (“alienate”) với thế giới xung quanh, theo vô vàn cách rất đời thường. Ở trên mặt đất này nhưng chân tôi không bao giờ chạm vào đất. Đất đen, đất đỏ, đất bùn, đất cát bụi bặm…Không. Lúc nào cũng có một lớp giày dép ngăn cách giữa chân tôi và mặt đất. Mà kể cả khi đi chân trần thì giữa tôi và đất cũng luôn tồn tại một lớp gạch đá, hoặc bê tông, nhựa đường, phẳng phiu, sạch sẽ và an toàn. Tôi kể cho đồng nghiệp tôi nghe suốt về cây cối ở Hà Nội nhưng cả mấy năm trời, hình như tôi chưa bao giờ chạm vào cái cây nào trên đường. Tôi trồng cây, hái quả, làm mứt, nuôi gà trong trò chơi trang trại nhưng khi thấy mấy con giun đất trong chậu cẩm tú cầu thì lại sợ, đem xúc hết ra cho vào túi ni lông vứt đi. Tôi tập thiền nhưng lần nào ra đường tôi cũng nút kín tai nghe, để âm nhạc hoặc podcast phân tán tâm trí khỏi thực tại. Mà phố xá đúng là ồn thật; những thứ tiếng ồn khởi nguồn từ lối sống mà tôi và hàng triệu con người khác đã và đang lựa chọn. Tiếng động cơ xe máy gầm gừ cho cuộc sống năng động, tiếng nhạc quảng cáo chát chúa từ loa thùng trước cửa hàng quần áo cho phong cách riêng cá tính (hoặc sang chảnh hay thanh nhã tuỳ vào việc ta bao nhiêu tuổi và muốn mình khác biệt so với ai) rồi tiếng búa thình thình, tiếng khoan sắc lạnh, buốt tai từ công trường xây dựng cho tổ ấm riêng ngay giữa lòng thành phố.

Cả những tổ ấm đó nữa cũng được các kiến trúc sư thời hiện đại thiết kế sao cho không chỉ che chở ta khỏi môi trường xung quanh mà còn giúp ta xa lánh nó. Đầu tiên, toà nhà hoặc ngôi nhà đó phải bọc bằng rất nhiều kính; tường kính, cửa kính, phản chiếu phố xá, cây cối xung quanh trong một thứ hoà khí giả tạo rằng tôi-có-cố-gắng-thuộc-về -nơi-đây. Và cửa sổ bây giờ không phải để mở ra mà là để tạo nên cảm giác mở. Quảng cáo cho các chung cư cao cấp luôn luôn có hình ảnh một cửa sổ kính to, đóng kín, nhìn ra công viên xanh mướt trong khi người xem, nhìn từ vị trí người trong phòng được an toàn trong không gian vô trùng, lúc nào cũng sơn trắng hoặc xám nhạt với đồ nội thất phải luôn theo phong cách gọi là tối giản. Trước những quảng cáo đó, người xem cảm tưởng như mình đang ngồi trên chiếc ghế nệm trắng ngoài ban công lắp kính kia hoặc đang thở dài thư giãn trong bồn tắm nọ, đặt cạnh một bức tường cũng kính nhìn ra hàng lá không tên nào đó xanh buồn tẻ mỗi một màu. Ta thấy mình thoả mãn, sang chảnh và quyền lực. Ta nghe giọng mình nói với ai đó rằng “Tôi muốn sống gần thiên nhiên” nhưng thực ra giọng nói sâu thẳm trong ta bảo ta rằng thực lòng mà nói, cái sự gần gũi đó, ta thích nó mang tính sở hữu nhiều hơn. Nó là “view của tôi, cây của tôi, thiên nhiên của tôi!”. Cái đó thì chẳng ai nói ra bao giờ. 

Nhìn gần như là phương thức chính để con người hiện đại trải nghiệm thế giới xung quanh. Ngày nay, nhìn đồng nghĩa với chụp ảnh. Bảy năm trước, tôi đến đảo Ko Phi Phi du lịch. Buổi sáng cuối trên đảo, tôi và bạn ra cầu tàu đợi thuyền đón về đất liền. Mấy chiếc thuyền khác khởi hành sớm từ đất liền vừa cập bến; hàng đoàn khách du lịch xôn xao bước xuống cầu. Sáng hôm ấy biển rất đẹp, như một khối thuỷ tinh trong vắt được thả vào từng lớp màu lam rồi đến xanh ngọc, tất cả lấp lánh trong ánh nắng vàng nhiệt đới. Dù đã ở trên đảo gần một tuần, quen với biển xanh cát trắng ở đây rồi, tôi vẫn ngất ngây trước khung cảnh này. Chúng tôi vào một quán cà phê ven đường, vừa uống nước vừa ngắm cảnh mãi không chán. Vậy nên tôi đã khá (nhưng không quá) ngạc nhiên khi thấy hết lượt này đến lượt khác khách du lịch từ lúc thong thả xuống tàu đến lúc rời bến tàu đi, chỉ ngẩng lên nhìn cảnh biển được đâu một hai phút; phần lớn thời gian còn lại  họ chụp ảnh. Tôi quan sát đám khách du lịch một hồi lâu. Không ai thực sự nhìn thẳng lên và ngắm biển; người ta nhìn biển qua màn hình điện thoại hay ống kính máy ảnh. Có người còn chẳng buồn nhìn, chỉ chú tâm vào việc chụp selfie. Biển chỉ là cái nền xanh bé tí cho bản mặt to đùng của họ thôi. 

Bây giờ thì việc trải nghiệm qua chụp ảnh đã thành điều nghiễm nhiên. Tôi không những đã quen với thực tế ấy mà còn hấp thụ thêm một thói quen mới – Chụp ảnh là một hình thức để tôi tiêu thụ (“consume”) thế giới xung quanh. Khung cảnh đẹp với tôi như một bữa buffet ngồn ngộn món. Đứng trước nó, tôi đói cồn cào, tôi thèm thuồng nhìn tất cả các khay thức ăn rồi luôn luôn là thế, tôi tham lam vét đồ ăn từ hết khay nọ đến khay kia vào đĩa và nhồi tất cả vào bụng thật nhanh để còn làm thêm đĩa nữa. Xong bữa ăn, tôi no nê, vừa thấy sự thoả mãn phình tướng lên trong bụng, lại vừa thấy thiếu thiếu cái gì; miệng tôi làn lạt, tê đi vì đủ thứ nước chấm và gia vị. Tôi chẳng nhớ nổi hương vị một món ăn nào nữa. 

Đã quá quen với việc nhìn qua máy ảnh, người ta tự thấy mình kì quặc khi đứng trước một khung cảnh đẹp mà chỉ làm mỗi một việc là mở to mắt ra ngắm. Trong một lần đi dạo trên mấy con phố chính ở Pleiku, tôi thấy một cây hoa gạo cổ thụ nở hoa chi chít như hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ treo khắp các cành. Tôi cứ đi vài bước thì lại phải dừng lại ngắm. Khi đến đúng dưới cây gạo, ngước lên, tôi thấy mình như cô bé tí hon trong truyện cổ tích mới bước ra khỏi cái nôi hoa lần đầu, ngỡ ngàng trước sinh vật khổng lồ kì diệu đang toả tầng tầng lớp lớp những cành, cái thì to nặng nề, cái thì mảnh dẻ duyên dáng kia. Tưởng như cây gạo đang phập phồng hơi thở sống, thân phình ra, cành vươn xa hơn từng chút một ngay lúc này. Tôi có thể đứng thế mà ngắm cây mãi nhưng tôi chợt nhận ra gần đấy có một hàng nước; bà hàng nước phe phẩy cái quạt và vài ông khách vừa uống chè vừa ngó nghiêng bâng quơ.  Tôi không chắc có ai để ý đến tôi không nhưng tự cảm thấy điệu bộ của mình, đứng trên vỉa hè ngửa mặt lên xem cây gạo hình như lâu hơn kha khá so với mức thời-gian-trung-bình-để-ngửa-mặt-lên-trời của một người bình thường – nói tóm lại là người ngoài nhìn vào sẽ thấy “hâm”. Và mặc dù xung quanh tôi chỉ lèo tèo vài con người xa lạ, vì không muốn ai nghĩ mình “hâm” nên cuối cùng, tôi đã lục tục lôi điện thoại ra làm cái cớ cho việc đứng nhìn. Không hiểu sao mình lại phải thế!  

Mấy hôm nay, trong vài khoảng nghỉ giữa những lần check Instagram, tôi tự hỏi sẽ thế nào nếu một ngày tôi không thể nhìn được nữa? Thế giới tôi thấy ngoài kia sẽ còn lại gì? 

Tôi đi tìm câu trả lời trong “Chạm vào đá”, cuốn nhật ký của John Hull, một giáo sư thần học người Anh (1925-2015) sinh ra với thị lực bình thường nhưng bị mù vĩnh viễn năm ông 45 tuổi. “Chạm vào đá” là những suy ngẫm hàng ngày được John ghi âm lại về cuộc sống hoàn toàn thay đổi từ khi bị mất đi khả năng nhìn. Ông phải tìm cách chấp nhận rằng giờ đây, ông chỉ có thể nhìn thấy màu sắc trong mơ, đồng thời, học lại từ đầu cách làm mọi thứ, từ chuyện nhỏ nhất như di chuyển trong phòng. Thế giới của ánh sáng và màu sắc mà ông biết nay bị một tấm màn dày phủ kín, gần như là trống rỗng. Nhưng một thế giới khác lại mở ra. Dù rằng John không bao giờ ngừng hoài nhớ thế giới của hình ảnh, những dòng nhật ký rất thơ và đầy suy tư của ông cho những người mắt sáng được trải nghiệm một thế giới hoàn toàn khác, hay thực ra là những hình thái hoàn toàn khác của chính thế giới hiện tại. Đó là thế giới của chạm nơi ta nhìn bằng tay, ngắm nghía một vật bằng cách “nắm, ôm nó trong lòng bàn tay, thấm thía mọi góc cạnh”. Chiếc bình đựng nước bằng đất nung của Nam Phi là “tiếng cọ nhè nhẹ khi ta xoay nắp bình và hàng ngàn âm vang nhỏ xíu, ngân nga khi móng tay ta chạm vào thân bình”. Mở cửa bước ra vườn khi trời đang mưa cũng giống với trải nghiệm của người mắt sáng khi “kéo rèm nhìn ra thế giới bên ngoài”: “Tiếng mưa rơi thay đổi, vẽ ra cho ta những đường cong. Ở góc này, mưa dội lên nền bê tông, bắn tung toé vào những vũng nước nông vừa mới hình thành. Tại góc kia, mưa chảy xuống các bậc thang, tạo thành một dòng thác mỏng. Âm thanh trên lối đi khác với tiếng mưa gõ trên cỏ phía bên phải và âm thanh này lại khác với cảm âm dày, nặng, sũng nước của mưa trên bụi cây to bên góc trái…. Khắp nơi đầy những vết nứt, những đoạn tắc nghẽn, những chỗ mấp mô – chỉ một sự đứt quãng hay khác biệt nhỏ về kết cấu hay tiếng vang cũng mang tới một một chiều kích mới cho khung cảnh.” Trải nghiệm của ta, cuộc gặp gỡ (“encounter”) của ta với thế giới bên ngoài trở nên phong phú và giàu có hơn khi ta không còn giới hạn cuộc gặp gỡ đó vào ánh nhìn nữa.

Nhưng khi nào thì ta thực sự gặp gỡ? Trong những chuỗi ngày miệt mài đi từ điểm A đến điểm B, tôi đã gặp gỡ thế giới ngoài kia được bao nhiêu lần, hay là tôi chỉ lướt qua thôi? 

Ngày 29 tháng 8 năm 1952, trong một khán phòng giản dị ở Woodstock, New York, nghệ sĩ piano David Tudor chuẩn bị biểu diễn bản nhạc có thể nói là gây tranh cãi nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. “Tudor ngồi xuống cạnh đàn piano, lấy ra sáu tờ giấy với khuông nhạc trống trơn và nhẹ nhàng đóng nắp phím đàn lại. Sau đó ông nhấn nút bấm giờ trên đồng hồ và bình thản ngồi yên. Khán giả lặng thinh chờ đợi; một ngọn gió thì thào khe khẽ. Sau 30 giây im lặng, Tudor mở nắp đàn, ngừng lại, đóng nắp đàn rồi quay lại với việc ngồi yên. Ông lật sang một trang giấy trắng khác. Mưa bắt đầu tí tách rơi. Sau 2 phút và 23 giây, Tudor lại mở và đóng nắp đàn lần nữa. Lần này, một vài người đã bực bội rời khán đài. Tiếng bước chân họ vang dọc hành lang. Sau 1 phút và 40 giây nữa, Tudor mở nắp đàn lần cuối, đứng lên và cúi chào. Trên khán đài lác đác tiếng vỗ tay của những người còn nán lại.” Bản nhạc có tên là “4’33” – ba chương yên lặng, tổng cộng 4 phút và 33 giây – được soạn bởi John Cage có vẻ như một trò đùa nhưng trên thực tế đã hoàn toàn định nghĩa lại khái niệm âm nhạc (Lucas Reilly, 2017).

Sau buổi công diễn, khi được hỏi về 4’33, Cage trả lời rằng “Họ đã không hiểu được dụng ý của buổi trình diễn. Chẳng có thứ gì gọi là im lặng cả. Bởi vì họ không biết cách lắng nghe, cái họ cho là im lặng đó thực ra có rất nhiều âm thanh ngẫu nhiên. Anh có thể nghe tiếng gió lao xao ngoài kia trong chương thứ nhất. Ở chương thứ hai, mưa rơi tí tách trên mái nhà và ở chương thứ ba, chính khán giả tạo ra bao nhiêu là âm thanh thú vị khi họ xì xào nói chuyện hay bỏ ra về.” Trong 4’33”, âm nhạc không đến từ nhạc công mà là từ khán giả và môi trường xung quanh; chính vì thế, không buổi biểu diễn 4’33” nào giống buổi nào.

“4’33” nhẹ nhàng nhắc ta sống trong phút giây hiện tại và chú tâm vào thế giới xung quanh. Nếu nghệ thuật có vẻ xa rời cuộc sống – đóng khung trong các triển lãm và nhà hát – thì đó chỉ là vấn đề về quan niệm. Nếu ta chú ý đến tiếng gió xào xạc hay tiếng xe cộ ì ầm ngoài kia như thể đang nghe album nhạc yêu thích, ta sẽ nhận ra rằng sự phân biệt giữa nghệ thuật và cuộc sống, âm nhạc và tiếng ồn, không thực sự tồn tại. Nếu coi mọi âm thanh là âm nhạc, có lẽ ta sẽ nghe được điều gì đó ngẫu nhiên, mới mẻ và đẹp đẽ. Thực chất, bản 4’33” không phải là về lắng nghe sự im lặng, hay không nghe gì cả. 4’33” là về lắng nghe tất cả.” (Lucas Reilly, 2017)

Được truyền cảm hứng bởi hai ông John Hull và John Cage, tôi quyết định mở cửa ra và gặp gỡ thế giới bên ngoài trong một tâm thế khác, tươi mới hơn và thật chú tâm. Tôi đi dạo.

Ngày 1: dạo quanh đường Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định và ngõ Hoàng Ngân

Tôi đi cầu thang bộ xuống. Phòng tập, bể bơi đóng cửa hàng mấy tháng nay. Lâu lắm rồi tôi không tập thể dục nên tranh thủ tận dụng những lần ra ngoài như thế này để vận động một chút. Tiếng cót két từ đôi dép Bitis nghe như thể nó là tiếng đầu gối tôi rên rẩm. Xuống đến tầng ba, tôi gặp một bác gái đeo đai bảo vệ lưng đi bộ vòng vòng giữa hành lang. Mấy lần đi thang bộ tôi đều gặp bác chăm chỉ đi bộ theo phong cách mùa dịch như thế.

Khi bước ra đường, trên đầu tôi vẫn còn ì ùng tiếng sấm từ đằng xa. Âm thanh mang sức mạnh gợi nhắc mãnh liệt, giống như mùi hương vậy. Tiếng sấm còn sót lại sau cơn mưa hôm nay như những làn sóng âm lan về từ bầu trời của một chiều chập choạng năm 1991, khi tôi và em Chíp tầm 4, 5 tuổi. Tôi ở nhà bên Nghĩa Tân với ông bà ngoại còn em Chíp nhà ở phố Ngô Thì Nhậm. Với hai đứa bé con như chúng tôi, mỗi lần được gặp nhau là một sự háo hức, đợi chờ và khi tạm biệt nhau đi về thì đúng là một cuộc chia ly như thể phải mấy năm sau chúng tôi mới được gặp lại. Hôm đó, hai chị em tôi đã mong trời mưa mãi để em Chíp được ngủ lại nhà ông bà ngoại, và hai đứa sẽ tha hồ chơi với nhau đến tận trưa hôm sau. Hai đứa còn bảo nhau, nếu bố mẹ bắt em về thì hai chị em sẽ nắm chặt lấy tay nhau nhất định không chịu buông, thế là bố mẹ em sẽ phải bỏ cuộc thôi. Nhưng chú dì tôi vừa hô “Về” một cái là hai đứa lại buồn bã thả tay nhau ra, dọn đồ chơi rồi tạm biệt nhau; lần nào cũng thế. Giờ thì em đã đi xa lắm rồi, xa mãi mãi như chiều mưa kia. Trên nền trời âm u chiều nay vẫn còn lướt thướt vài đám mây xám ướt át. Nắng len lỏi qua mấy lần mây đã mất đi ít nhiều sắc độ, chỉ còn ánh bạc mềm dịu như ánh sáng từ hạt sương thả trên vai tôi. Mùi nhang lẩn quất. Khói đốt vàng mã từ chiếc lư to trước cửa chung cư loang nhẹ vào không gian.

Tiếng ếch sau mưa rền vang phấn chấn từ phía công viên nhỏ trên ngõ Hoàng Ngân. Tôi đi về phía công viên. Vỉa hè phủ một lớp bụi vàng confetti của lá me, lá phượng, rồi cánh hoa hoàng yến và hoa phượng. Hoa phượng rụng nguyên bông vẫn còn cứng cáp, tươi màu đỏ cam – những bông nắng hè cứ ánh lên kệ cơn mưa. Tôi đẩy cánh cửa tre mỏng mảnh, đi vào trong công viên. Một cây đại lặng yên vươn những chiếc lá như con mắt hươu dịu dàng nhìn xuống cái ao nhỏ. Tôi đi lên cái cầu sơn đỏ giả Nhật bé tẹo bắc qua cái ao còn bé hơn. Những con ếch chỉ bằng nắm tay núp dưới cỏ và đá, tôi không nhìn thấy con nào nhưng tiếng ếch như tiếng kèn đồng thì vẫn dội liên tục vào người tôi. Cơ thể tôi rung lên đến từng sợi tóc. Năm 2019 lúc đi công tác ở Đồng Tháp, lần đầu tiên tôi được thấy hàng trăm con ếch bé xíu bò ra sau mưa. Ếch này chắc là ếch em bé chứ chưa được gọi là ếch con, chỉ nhỏ bằng đúng đầu ngón tay út. Nếu lúc đấy không tò mò cúi xuống nhìn thật kỹ thì chắc tôi đã dẫm nát hết cả một bầy ếch rồi. Mà cũng có thể là tôi đã; tôi không hay cúi xuống nhìn kĩ như thế. Mùi hoa đại ngọt ngào thấm đẫm vào từng lớp sóng âm loang ra trong không gian, loang cả vào tôi. Khi tôi bước ra khỏi công viên thì từ dưới chiếc ô đen chỗ bãi gửi xe đối diện vang lên tiếng chửi “Địt mẹ!” phẫn uất của một anh bảo vệ đang nức nở kể lể một sự tình nào đó với hai bác trông xe ngồi bên.

Tôi vòng lại ra phố Nguyễn Thị Thập. Bụi cây trong bồn xi măng trước cửa siêu thị Hàn Quốc, cành thì bò ngoằn ngoèo trên trên mặt đất, cành khác thì nghển cổ đong đưa ngó người qua đường. Vài cái lá ướt nước lướt cạnh sắc qua bắp chân tôi. Mùi gì giống mùi thuốc bắc bỏ nhiều táo tàu, hoặc có chút vị nhân trần ngòn ngọt toả hơi ấm trong không khí. Mùi gì thế nhỉ? Tôi không thể gọi tên nhưng nó là thứ mùi ấm áp, thân quen như mùi những thứ lá, rễ cây thuốc, quế, hồi và trăm thứ khác trên phố Lãn Ông. Tiếng công nhân xúc cát sàn sạt ở công trường phía sau vang rõ hơn, mà lại có chút gì trang nghiêm, từa tựa như âm thanh lao động trong một bộ phim tài liệu về Đổi Mới. Hình như âm thanh nào sau mưa cũng nhuốm một vẻ trang nghiêm. Cạnh tôi là một cây me, lá me sà xuống, còn long lanh nước. Tôi đưa tay lên nắm nhẹ, lá me non mịn màng như cặp má em bé, làm tôi nghĩ tới những má em bé đỏ hây hây mình đã hôn, đã véo hồi xưa – má em Ben, má cháu Nana. Cả hai giờ đều đã lớn.

Cây phượng cạnh trường mẫu giáo làn da thẫm lại sau mưa, cành gân guốc, thân mình cuồn cuộn như một sinh vật im lìm, cơ bắp căng ra rình mồi. Trên cành cây đen thẫm hở ra vài vết nứt, nơi đàn kiến – những cái chấm vàng cam mờ mờ – bám thành dây dọc thân cây hối hả chui tọt vào. Một con bọ xám tiệp màu tường trường mẫu giáo vơ vẩn xoay ngang xoay ngửa gần chấn song sắt. Có tiếng giày da lộp cộp khô khốc, một anh hối hả rảo bước, lướt qua tôi trong tích tắc nhưng để lại phía sau đám sương mù nước hoa hăng hắc một lúc mới tan.

Tôi đi theo tiếng nước – tiếng dòng suối giả róc rách trong một căn biệt thự rồi đến tiếng ùng ục trong bể cá của cửa hàng cá lăng góc phố Nguyễn Thị Định. Bể nào cũng đầy nước nhưng trống trơn. Phố xá đang lặng thinh bỗng giật mình vì tiếng nhạc quê hương sướt mướt từ loa gắn trên xe đạp một bác tập thể dục phóng qua. Gạch lát vỉa hè sọc ngang dọc – những khuông nhạc màu hồng lạnh. Đoạn vỉa hè trước cửa một căn biệt thự rợp bóng cây như tấm bình phong xanh che chắn, người ngoài không thể nhìn thấy bên trong. Trước cửa nhà này có tấm biển cấm đái bậy bằng cả tiếng Hàn và Việt (tiếng Việt là “Đàn ông văn minh không đái bậy”). Chắc chủ nhà đã phải hứng hậu quả của khá nhiều Oppa. Ở đây dù nắng hay mưa, lúc nào cũng oang oác tiếng ếch nhái vang rền. Thiên nhiên ở góc này hừng hực sức sống. Cây hoa sữa rễ gồ lên, xiên dọc xiên ngang, bổ vỡ cả bệ xi măng, hất vài viên gạch lát hè sang một bên. Hoà vào góc thiên nhiên bé xíu nhưng dữ dội này là mùi lá xanh không hiểu sao lại dậy lên gắt gỏng. Môt chiếc xe máy rồ qua, rú lên hung hăng thách thức những đôi tai người đang đờ ra choáng váng “Đánh nhau đê!”.

Tôi lánh vào một con ngõ nhỏ cho tai được hoàn hồn. Bước vào trong ngõ như thể ta đang bước vào một khu vườn được phong kín bởi hàng cây cổ thụ; bỗng nhiên bốn bề tĩnh lặng hẳn. Tiếng động con người vẫn nghe được, nhưng trong ngõ, nghe như tiếng chuông gió trong trẻo và nên thơ: tiếng bát đũa lanh canh, tiếng người lao xao gọi nhau ăn cơm, tiếng cửa sắt mở ken két sợ sệt, cả tiếng con mèo nào “ngoèo ngoèo” có vẻ thống khổ nhưng kêu một hồi hình như không được gì nên mèo ta gằn lên cáu kỉnh “Ngoằo!” một cái rồi thôi. Một cây muồng hoàng yến toả vòm lá xanh mơ kín một góc trời; hoa thả hàng chùm xôm xốp màu vàng tơ, nhị dài cong vút; mấy chùm quả khô nâu sẫm lại, se sẽ đong đưa. Thân cây là một bảng các sắc nâu, nâu đỏ, nâu đen, nâu gỗ…; rải rác các ô nâu sần sùi như một tập hợp những cánh đồng nứt nẻ. Gần cây muồng hoàng yến là cây cau cảnh rễ đã bị chặt cụt nhưng vẫn đùn lên, tưởng chừng như hàng đụn giun đất trơn nhẵn đang ùn ùn tuôn ra. Tôi ngần ngừ một tí rồi chạm vào các thân cây (chạm cao một tí nhỡ có ông nào hay ra đây đái bậy), cảm thấy một cái gì như cái vỏ hạt bé tí ở đâu đó trong mình đang tách ra. Khi mình chạm vào cây, có lẽ cây cũng đang chạm lại.

Một chiếc lá chao nhẹ dưới vòm lá mơ màng, nấn ná mãi mới khẽ khàng chạm hẳn xuống đất. Một chú mèo thình lình từ đâu mềm mại đáp xuống gờ tường gần chỗ tôi đứng, không một tiếng động. Mèo hình như còn ở tuổi thiếu niên, mặt tròn, lông màu vàng trắng mịn màng, mắt ngơ ngác. Giật mình khi nhìn thấy tôi, mèo ta luống cuống xọp bụng xuống bò qua khe cửa sắt vào nhà, điệu bộ vụng về khác hẳn lúc nãy. Nắng dần lên, những đốm nắng lúc đậm lúc nhạt theo mỗi bóng mây bay qua. Phảng phất mùi hoa gì chua chua, man mát dịu dàng. Trên trời, mây vẫn toả ra thao thiết như những cánh hoa rơi. 

Ngày 2: dọc đường Trần Hưng Đạo, ngõ Phan Chu Trinh và Ngô Quyền

Thời tiết hôm nay khác hẳn chiều hôm trước. Từ sáu giờ sáng trời đã đổ cơn mưa rào làm tôi sợ không đi được. Thế mà chỉ hai tiếng sau, trời lại đổ cho hàng rổ nắng chói chang. Tôi và Mai Hoa xách đồ vẽ ra chỗ cây si cổ thụ góc phố Trần Hưng Đạo và Hàn Thuyên. Cây si đứng đó giống một người khổng lồ trầm ngâm, nửa hiền lành, nửa hơi đáng sợ. Những cái rễ to khoẻ của cây ôm trùm hết cây cũ bên trong; chắc là cây bên trong đã bị nghẹt mà chết rồi vì tôi chỉ thấy lá si chứ không thấy cái lá nào khác. Những chùm rễ rủ lòng thòng từ từ các cành cây xiên ngang xiên dọc xuống làm ai đi qua cũng phải cúi đầu. Các rễ chính to ram ráp cắm thẳng xuống đất, từng lớp từng lớp. Đủ thứ đồ vật, thành kính có, vớ vẩn có, cái áo mưa đỏ, mấy chén rượu cúng, một bình hoa cúc héo, bó nhang cắm trong hộp xốp được lồng vào giữa các lớp rễ cây. Cây si không ngừng bành trướng lãnh thổ, cắm sâu rễ vào cái cột điện gần đấy rồi từ đó vươn ra cuốn chặt vào các ban công khu tập thể đối diện. Không biết cây có nghe được không; tôi đang đứng chỉ cho cho Mai Hoa thấy cây si đã “làm thịt” cái cây cũ bên trong thế nào thì bị quả cây rơi trúng mắt đau điếng. Tức mình, tôi ra chỗ cái nắp hố cáp gần đấy cắm cúi vẽ.

Nếu như dưới mặt đất là thế giới con người sầm sập xe cộ, ồn ã nói cười thì khoảng chục mét trên kia thôi là một thế giới khác cũng không kém phần xôn xao và sống động. Lá si, lá sấu rập rờn, vẫy theo nhịp gió; nắng lăn tròn qua những chiếc lá còn ướt nước, dội lấp lánh vào nhau. Khi hàng đoàn xe tải và xe buýt đã đi qua, phố xá tạm yên tĩnh trong vài phút; tôi nghe thấy tiếng chim lích chích, lâu lâu lại có tiếng chim gì lảnh lót. Tôi không nhìn thấy nhưng nghe được tiếng chim từ tận những tầng lá trên cùng. Mỗi khi có con chim nào cất cánh bay vù đi thì nước mưa đọng trên lá rơi lộp độp xuống tóc tôi – cơn mưa thoáng qua đến từ cánh chim bay.

Từ Trần Hưng Đạo, chúng tôi đi dọc xuống, rẽ vào ngõ Phan Chu Trinh cho vắng vẻ. Các hàng rau đã dọn vào trong nhà, phần để tránh nắng, phần tránh công an. Chúng tôi đứng vẽ phía trước một hàng hoa quả. Có cả dãy các hàng hoa quả nằm sát nhau ở mé này. Chị bán hàng dễ thương đon đả, luôn tay cắt hoa quả, hỏi han khách rồi chỉ đạo cô giúp việc gói đồ để ship hàng. Chúng tôi đứng trước hàng chị phải đến hơn một tiếng. Mai Hoa mở chiếc ghế xếp ra ngồi phía sau đống rác gần mặt đường. Tôi thì đứng ngay cạnh sạp hoa quả vừa hít hà vừa vẽ. Ngồn ngộn hàng rổ, hàng thùng hoa quả mùa hè: nhãn, chôm chôm, mận, măng cụt, dưa hấu, thanh long, xoài… Đủ thứ sắc màu nhiệt đới chói lọi. Pallete của tôi cũng rực rỡ toàn những màu ấm nóng. Mùi hoa quả chín nẫu. Đám dưa vàng toả hương thơm như mùi nước hoa, thứ nước hoa ngọt gắt, quánh lại trong cái nóng tháng Bảy. Tôi đứng cạnh đám phật thủ (nên trong tranh, quả phật thủ mới to như cái bắp cải) cong cong như những ngón tay Phật, phảng phất hương thơm chua chua nhè nhẹ. Mai là mùng Một nên hàng nào cũng cài một bẹ hoa cau. Gánh hàng hoa bên cạnh toàn là hoa cúng – hoa cúc, hoa mẫu đơn và hoa cau còn đang nụ. Các hàng xung quanh còn có thêm vài xấp lá trầu không.

Hàng thịt bên cạnh lịch kịch dọn đồ vào muộn. Chú hàng thịt luôn tay chặt và sắp thịt vào túi cho khách. Mặt chú đăm chiêu như đang chánh niệm (hoặc táo bón?). Các cô đi làm về lao xao, tạt qua hàng hoa quả hỏi có quả gì màu đỏ đẹp không để mua về cúng rồi lại í ới sang bên hàng rau, hàng thịt.

Trời dần tắt nắng, chúng tôi đi bộ sang khu tập thể 8A Ngô Quyền, nơi có quán trà quen. Chúng tôi lên tầng năm, dạo qua hàng bao nhiêu những khu rừng tí hon của nhài, kim ngân, lan ý, lưỡi hổ…. Từ tầng năm nhìn ra khoảng sân bé tẹo chen chúc nào cầu thang, nào xe máy, mảng tường khu tập thể phủ một lớp xanh mịn màng rêu phong. Mỗi nhà có một cửa sổ be bé, từ mỗi khung cửa lại thò ra vài cái cây xinh xinh: cây quất giờ vẫn ra quả vàng cam, cây vạn niên thanh đầu lá cháy nắng sem sém, cả một cây gì không biết tên ôm trùm hết cả ban công. Cây vươn ra như muốn nới rộng thêm không gian cho người trong nhà, giờ này đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong cái hộp ấm áp màu hoàng thổ. Hộp biến thành nhà khi ta trồng thêm một cái cây.

Mặt kia của hàng lang nhìn ra đường Ngô Quyền, hai cây sấu và một cây phượng. Sấu vẫn rì rào lá, mùa này có thêm hàng chủm quả lúc lỉu, gợi nhớ bài “Quả sấu non trên cao” của Xuân Diệu. “Chót trên cành cao vót | Mấy quả sấu con con | Như mấy chiếc khuy lục | Trên áo trời xanh non”. (Bài thơ này hồi xưa tôi đi thi Văn trúng tủ được 9 điểm nên nhớ mãi. Tâm hồn thơ văn vụ lợi thế thôi.) Trái với sấu, cây phượng đến tháng Bảy rồi mà mới lác đác vài chùm hoa. Hình như năm nay phượng ở đâu cũng ra hoa muộn. Một năm kì lạ.

Hành lang yên ắng. Một hòn non bộ khô lăn lóc trong xó tường. Chiếc nồi luộc bánh chưng hoen gỉ gác bên cạnh, không biết có đợi được đến Tết năm sau không. Một làn gió thoảng qua. Vài chậu cảnh sột soạt lá. Mấy cái mắc quần áo treo ngoài ban công nhà ai va vào nhau lanh canh, chỉ càng làm cho hành lang thêm tĩnh lặng. Ở hành lang tầng dưới bỗng khe khẽ tiếng một em bé tự nói chuyện – em đang chơi một mình. Thấy tôi, em ngẩng lên nhìn tò mò, nhoẻn nụ cười xấu hổ. Tôi cũng cười lại qua lớp khẩu trang. Chúng tôi cười với nhau qua ánh mắt. Tôi ngồi xuống bậc thang, lấy màu ra thong thả tô những bức ký hoạ của một buổi chiều bình yên.

L.L

Hà Nội ngày 15 tháng 7 năm 2021

Tài liệu tham khảo

Kearney, R. (2021). Touch recovering our most vital sense. Columbia University Press.

Sontag, S. (2019). On Photography. London: Penguin.

Nixon, D., 2021. [online] Aeon. Available at: <The phenomenology of Merleau-Ponty and embodiment in the world | Aeon Essays https://aeon.co/essays/the-phenomenology-of-merleau-ponty-and-embodiment-in-the-world> [Accessed 16 July 2021].

Reilly, L., 2021. The Story Behind John Cage’s 4’33”. [online] Mental Floss. Available at: <https://www.mentalfloss.com/article/59902/101-masterpieces-john-cages-433> [Accessed 16 July 2021].

Hull, J., n.d. Touching the Rock [electronic resource] : An experience of blindness. SPCK Publishing.

“Obstacle Innovation l Tough Mudder Team Challenges.” Tough Mudder, 20 May 2021, toughmudder.com/obstacles/.

“What is the point of John Cage’s 4’33”. [online] Classical-music. Available at <https://www.classical-music.com/features/works/what-is-the-point-of-john-cage-433> [Accessed 16 July 2021]