Tặng cháu Nana,
We think we tell stories, but stories often tell us, tell us to love or to hate, to see or to be blind.
Rebecca Solnit, ‘The faraway nearby’
Bạn thấy gì khi nhìn vào những đồ vật mình không còn dùng nữa?
Tôi thấy những hoá thạch của tháng ngày đã qua, những khởi đầu của tôi hôm nay, những lớp vỏ cũ đã từng là tôi ngày trước, và cả một thoáng của thế giới trong quá khứ. Khi xem xét những món đồ cũ, tôi thấy mình như một nhà khảo cổ – khai quật những kỷ niệm xa xưa, lần theo những dấu vết đó để ráp nên lịch sử của gia đình và chính tôi.
1. Thương gửi từ nước Nga xa xôi
Tôi viết bài này rất lâu trước khi Nga xâm lược Ukraina
Đồ vật: Matrioska Nga, thìa và bát gỗ sơn trang trí và cuốn “Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa” của Pauvstovsky.
Nga là đất nước khác đầu tiên và tiếng Nga là tiếng nước ngoài đầu tiên mà tôi biết. Lần đầu tiên nghe về nước Nga là khi tôi bốn tuổi (có lẽ vậy). Mẹ tôi đi Nga học hai năm. Căn nhà vắng bóng mẹ phủ lên nước Nga trong tâm trí tôi một lớp màu xám mờ của mong nhớ. Sau này tôi được xem những tấm ảnh đen trắng của mẹ chụp cùng các bạn trong công viên phủ tuyết. Trong ảnh, mẹ trẻ hơn tôi bây giờ; nụ cười rộng sáng bừng trên khuôn mặt tròn, và sau lưng mẹ, những cây bạch dương vỏ trắng toả ra ánh bạc yếu ớt.
Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Nga nhưng đất nước rộng lớn ấy đã để lại dấu ấn khó phai lên tuổi trẻ của bố mẹ tôi, đến tận bây giờ khi bố mẹ đã hơn 70 tuổi. Những cuộc họp mặt cựu du học sinh Nga năm nào cũng đều đặn tổ chức, người tham dự toàn các cụ tóc bạc phơ; câu chuyện của mẹ về các bà già Ba Lan tốt bụng; bữa tối với những người bạn Nga của bố – lúc nào cũng phải có món salad Nga và giai điệu man mác của bài “Đôi bờ” mà mẹ thỉnh thoảng ngâm nga trong bếp.
Quyển sách đẹp nhất mà tôi có hồi bé là một quyển sách của Nga, ‘Bác sĩ Ai-bô-lít’ của nhà xuất bản Cầu Vồng. Đây là một trong số ba quyển sách duy nhất mà tôi có hồi bốn tuổi. Đi đâu tôi cũng mang theo ba quyển sách của mình, như thể chúng là ba con búp bê giấy phẳng lì. Quyển ‘Bác sĩ Ai-bô-lít’ khác hẳn so với hai quyển sách kia của tôi – ‘Chuyện hoa chuyện quả’ của Phạm Đình Hổ và một quyển sách dạy làm bánh mứt kẹo – hay tất cả những quyển sách Việt Nam khác được in vào những năm 80 hay 90. Sách Việt Nam thời bấy giờ thường có bìa mỏng và chữ nhỏ, in trên loại giấy xấu màu vàng hoặc nâu. Quyển sách này là cuốn duy nhất có bìa cứng, chữ to tròn in trên giấy dày trắng tinh, và có cả tranh màu minh hoạ. Với em bé tôi hồi đó, mỗi trang sách là một kì quan, khiến tôi ngâm nga, ngắm nghía mãi. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cơn mưa màu sắc của pháo hoa trên nền biển tối khi tàu của bác Ai-bô-lít và bầy thú về đến thị trấn hay đường phố ngập nắng vàng như tơ, cờ hoa rực rỡ chào đón bác sĩ trở về từ Phi Châu.
Tôi sinh năm 1987, một năm sau Đổi Mới, hai năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Thế giới nơi tôi sống những năm đầu đời mang nặng dấu tích của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Nước Nga mà tôi biết hồi bé là một thực thể hoàn toàn khác – nước Nga Xô Viết, hay là USSR – cái tên mà phải đến sau này đọc các sách tiếng Anh tôi mới biết. Tôi vẫn nhớ như in bài luận “Lòng yêu nước” của Ilya Ehrenburg trong sách Văn lớp Sáu: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vina hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng 6 sáng hồng…Người xứ Ukraina nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh…Người Moskva nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm…”
Đó là những năm mà ở miền Bắc Việt Nam, tiếng nước ngoài lý tưởng để học là tiếng Nga và đất nước lý tưởng để sang học là nước Nga Xô Viết. Cũng cùng khoảng thời gian đó, ở đầu kia quả địa cầu, trẻ con Mỹ tầm tuổi tôi lớn lên với hình ảnh hoàn toàn trái ngược về nước Nga Xô Viết – lạnh lẽo, độc tài và khắc nghiệt. Mãi sau này, tôi mới lờ mờ để ý khi thấy các nhân vật phản diện trong phim Mỹ thường là người Nga và nước Nga trong phim chỉ có một màu xám xịt.
Tôi không chắc thế giới hôm nay đã cách thế giới lưỡng cực thời Chiến Tranh Lạnh được bao xa, chỉ biết rằng thế giới quan của tôi đã hoàn toàn khác. Tôi đã trưởng thành, học tiếng Anh và thử học thêm vài ngôn ngữ khác. Tôi quan tâm đến lịch sử và hình thành thói quen đọc về lịch sử của đất nước tôi đến du lịch từ nhiều phiên bản khác nhau – phiên bản tiếng Việt quen thuộc, phiên bản mang tính tuyệt đối trong bảo tàng quốc gia, phiên bản riêng tư và nên thơ trong thơ văn hay là phiên bản gay gắt từ những tiếng nói bất đồng chính kiến. Tôi cũng đọc những câu chuyện khác nhau về nước Nga. Nước Nga trong tâm trí tôi không còn là mảnh đất hiền hoà ngập nắng mà tôi hay mơ tới khi còn bé, nhưng cũng không phải là xứ sở tăm tối như nhiều phim ảnh khắc hoạ. Liên Bang Nga là một đất nước rộng lớn với lịch sử phức tạp và đầy biến động. Nhưng đó vẫn là một nơi đặc biệt đối với tôi – đất nước nơi bố mẹ tôi đã sống những năm tháng tuổi trẻ khó quên, cũng là đất nước trong tên của chị tôi – Thuỳ Dương.
2. “Ta đã quá già để bận tâm chuyện này”
Đồ vật: giày cao gót và bra
Năm 25 tuổi, tôi không thể hình dung nổi cảnh mình ra đường mà không đi giày cao gót. Thời tuổi hai mươi, cứ ra ngoài đường là tôi phải đi giày cao gót (thường cao ít nhất là 7 phân), và cùng với đó, váy bó hoặc quần short siêu ngắn và các thể loại áo lót đệm mút, ren. Áo lót đệm nâng ngực và giày cao gót như trong tranh là ‘biểu tượng’ cho gu thời trang của tôi, và theo một nghĩa khác, quan niệm về nữ tính của tôi. Tôi mặc cho người khác và thường xuyên hy sinh sự thoải mái của mình. Các loại bra gọng giúp nâng ngực nhưng cũng làm tôi thấy khó chịu cả ngày; váy bó tôn đường cong cơ thể nhưng làm tôi đến ngồi lên xe máy cũng khó khăn; quần short ngắn lộ cả mông nếu tôi không thỉnh thoảng kéo xuống; giày cao gót mang lại dáng đi đánh hông được coi là uyển chuyển, quyến rũ nhưng bắt tôi phải nhón gót, đi bằng mũi giày mỗi lúc muốn đi nhanh.
Theo một cách nào đó, những quần áo, giày dép đó ‘mặc’ tôi. Tôi khoác lên mình thứ nữ tính thụ động mà tôi cho là mặc định, vô thức biến mình thành một món đồ trang trí bởi vì đó là cách duy nhất để là phụ nữ mà tôi biết. Khi hai mươi, thật khó để nghe rõ tiếng nói của riêng mình – lúc này chỉ là một âm thanh yếu ớt, mờ nhạt như một thứ tiếng vọng qua màn sương. Khi hai mươi, tiếng nói của những người xung quanh định hình nên bản sắc của tôi, cả những khát vọng của tôi nữa. Tôi đã không ngừng theo đuổi những cột mốc thành công mà tiếng nói từ bên ngoài đó mách bảo, gắn cho chúng một khung thời gian đầy ảo tưởng – deadline luôn là trước năm 30 tuổi, chỉ để, khi bước sang tuổi 30, bần thần tự hỏi vì sao, dù đã đạt được điều mình muốn, tôi vẫn mãi bồn chồn lo âu.
Hồi xưa tôi hay nói đùa với bạn rằng tôi ghen tị với các bác giai trong công viên. Các bác thảnh thơi ngồi trên ghế đá tắm nắng; áo may-ô vén lên để lộ hàng lần bụng mỡ; nét mặt bác nào cũng đầy vẻ mãn nguyện, tịnh không hề để tâm đến các cháu ở xung quanh đang soi mói bụng của mình. Tôi muốn cũng được ngồi và chẳng làm gì như thế, không cần phải giả vờ rằng mình đang theo đuổi một mục tiêu nào đó, hay lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình.
Năm nay tôi 33 tuổi. Những đôi giày cao gót đã nằm phủ bụi được mấy năm. Những chiếc váy bó đã được cho đi từ lâu lắm rồi. Tôi thay thế những chiếc bra gọng bằng bralette và vào một ngày, không gì cả. Tôi thấy thoải mái và tự do! Hồi đầu thì cũng không hẳn. Tôi sợ khi ra đường sẽ có người bảo tôi rằng sao con gái mà lại ăn mặc như thế, về nhà mặc áo lót vào ngay đi. Trong cuộc trao đổi tưởng tượng ấy, tôi thấy mình hết mực bảo vệ sự đức hạnh của việc không mặc bra, nhưng bằng giọng điệu đầy hối lỗi – thứ phản xạ không điều kiện hình thành từ hàng bao nhiêu năm ăn mặc cho người khác và những lần một người lạ nào đó tự cho họ quyền được thoải mái nhận xét về hình thức của tôi. Cuối cùng tôi cũng ra ngoài, quần áo chỉnh tề nhưng không bra. Chẳng ai nhìn. Chẳng ai gọi tôi lại khuyên bảo. Chẳng ai quan tâm.
Có lẽ tất cả chúng ta, mải lo âu về chuyện người khác gì về mình đến mức quên rằng mọi người, bao gồm chính mình, thường chỉ cắm cúi mà đi, những gánh nặng riêng đè lên tâm trí. Có lẽ thay đổi kia cũng đến từ tôi, với khẩu hiệu của phụ nữ tuổi 30 “Tôi đã quá già để làm trò này”. Tôi đã quá già để im lặng nghe người khác bảo tôi phải mặc gì. Tôi đã quá già để bó mình vào cái khung nữ tính mình tình cờ chấp nhận từ mười năm trước. Tôi đã quá già để gật đầu hiền lành trước lời khuyên đầy áp đặt của những người lạ tràn trề ý tốt. Tôi đã quá già để dành năng lượng cho những thứ không quan trọng. (Và xin phép chèn vào đây một câu tiếng Anh vùng vằng: “I’m too old to give a shit to the bullshits”) Tôi đã quá già để không được tự do!
3. Cơ hội thứ hai
Đồ vật: vỏ hộp các tông, bình nước, vỏ hộp bánh quy và các thứ tạm gọi là rác khác.
Bố mẹ tôi là những người vô cùng lạc quan. Hai cụ không chịu chấp nhận rằng sự hữu dụng của một cái hộp chấm dứt khi món đồ bên trong đã được lấy ra. Nóc các tủ trong nhà tôi lúc nào cũng chất đầy đủ thứ vỏ rỗng: vỏ hộp các-tông lồng vào nhau như những búp bê matrioska bằng giấy, rồi vỏ chai nước Lavie 1 lít gác trong góc tường. Rải rác trong nhà, những hộp và chai lọ cũ giờ đựng những thứ mới: hộp bánh qui Danisa thành hộp đựng thuốc thơm thơm mùi bơ, muối vừng thay thế sữa chua trong lọ nhựa trắng còn nguyên chữ Đà Lạt và mơ chín vàng âm thầm lên men trong cái lọ thuỷ tinh nhỏ lúc trước đầy chặt dưa chuột bao tử. Có thể là bố mẹ tôi đang trao cho những thứ vỏ cũ đó một cơ hội thứ hai. Cũng có thể, các cụ chỉ đang tích trữ đồ, giống như bao cụ già lạc hậu khác.
Hiện đại là gì? Một từ đồng nghĩa với sự phát triển? Hay là những thứ được gắn mác “Xu hướng” (“Emergent”) trong báo cáo của ngành Ký Hiệu Học (“semiotics”) – điểm đến của mũi tên một chiều, thứ đối lập với tất cả những gì cũ kĩ, lạc hậu dưới cái nhãn “Tàn dư” (“Residual”)? Những người làm trong ngành marketing như tôi thích những thứ hợp thời. Thứ tốt hơn phải là thứ mới.
12 năm trước, tôi bắt đầu công việc đầu tiên, hào hứng được là một phần của thế giới tiêu dùng hiện đại – một người vô thần nhiệt thành đi theo tín ngưỡng của tiêu thụ dưới những cái cớ trừu tượng kiểu như tình yêu, ước mơ hay giá trị bản thân. 12 năm làm việc trong ngành này, tôi đã thành chuyên gia trong việc tạo nên những cái cớ trừu tượng, biến thèm muốn thành sứ mệnh, để người ta muốn tiêu dùng nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Vì sống là hết mình! Vì ta là thế hệ của những điều không thể! Vì bạn xứng đáng, thế thôi!
Hiện đại nghĩa là gì? Đáp viên trong những buổi thảo luận nhóm của tôi liên hệ nó với sự đúng giờ, với những bước đi vội vã mang tác phong công nghiệp, với các nước phát triển phương Bắc. Trong định nghĩa của hiện đại đó không có quá khứ và thực tại đậm màu nông thôn của đất nước tôi. Tôi còn nhớ tấm ảnh mà một em sinh viên mới ra trường dùng để minh hoạ cho quan niệm về sự hiện đại của mình: một phụ nữ mặc váy công sở, chân mang giày cao gót, túi đựng một chiếc laptop; cô rảo bước trên đường, trên tay là một cốc cà phê mang đi của Starbuck.
Nếu tấm ảnh đó là một đoạn phim, tiếp theo sẽ là gì? Cô ấy sẽ vào văn phòng, rửa cái cốc kia hay là sẽ vứt nó đi? Ý niệm về sự hiện đại không hiểu sao nghiễm nhiên gắn liền với sự tiện lợi tuyệt đối, và biểu tượng của sự tiện lợi tuyệt đối chính là hành động vứt đi. Nhưng “vứt đi” không bao giờ xuất hiện trong quảng cáo, thay vào đó là những tuyên ngôn hùng hồn về lối sống thông minh, về năng suất và thành đạt. Nhưng sau hàng nghìn khay nhựa và hộp xốp mang đi, hàng trăm những cốc, ống hút, thìa nhựa, túi xách take-away – những món ăn đồ uống mà phần lớn thời gian, tôi dùng khi đang làm việc, tôi không còn tin vào phiên bản lối sống hiện đại đó nữa.
Có lẽ cơn vỡ mộng tìm đến vào một sáng Chủ Nhật, khi tôi đang nằm trên giường, ước lượng số rau củ phải vứt đi vì tôi không có thời gian nấu vì tôi bận làm việc. Cũng có thể nó từ từ ngấm khi tôi đọc một bài báo và nhận ra, nước tôi từ bao lâu nay đã là bãi rác để người tiêu dùng bận rộn ở các quốc gia phát triển vứt những thứ đồ cũ kĩ, take-away của họ đi. Có khi nó hiển hiện trên nét mặt giận dữ của những người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn, những rào chắn thô sơ mà họ dựng lên hòng ngăn xe rác và lời họ khẩn cầu “Xin đưa rác khỏi nơi đây”. Cơn vỡ mộng tràn đến khi tôi biết trong những núi rác đang mủn ra, thối rữa kia có sự tiện lợi của tôi. À, hoá ra là thế! Sống thông minh là tiêu dùng mà không phải dọn dẹp. Sống thông minh đơn giản là vứt rác sang nhà người khác mà thôi.
Bây giờ, hiện đại và phát triển, đối với tôi không phải là mũi tên một chiều. Nó không dừng lại ở việc tiêu thụ mà bao gồm cả giai đoạn tiếp theo của việc vứt đi, của dọn dẹp, và sau đó, và sau đó, và sau đó nữa – Một vòng tròn tuần hoàn. Tôi rời Singapore về nhà và, giống bố mẹ, tôi cũng làm một cái túi Cơ Hội Thứ Hai nơi tôi lọc vỏ hộp, chai lọ và túi xách để gửi cho các cửa hàng tái sử dụng và các điểm tái chế. Những món đồ còn lại không thể được tái sử dụng thì nằm nguyên trong túi, sức nặng của chúng đè lên tôi mỗi lần dự định mua thứ gì đó mới. Sống như vậy đúng là không hoàn toàn thoải mái, nhưng lại nhẹ nhõm hơn, và tự do.
5. Memento Mori
Đồ vật: một lọ kem dưỡng tóc đã hết và một chai dầu dưỡng Morroco cũng đã hết.
Nếu bạn đang nói chuyện với ai đó và biết rằng đây sẽ là cuộc nói chuyện cuối cùng của bạn với họ, bạn sẽ nói gì?
Lần cuối nói chuyện với em, tôi than thở về mái tóc khô xơ xác của mình và hỏi em có còn đồ dưỡng tóc không, rồi hai chị em tôi chuyển qua kể lể chuyện tiêu hoá (hình như phụ nữ tuổi 30 hay gặp vấn đề về tiêu hoá hơn thì phải) và gật gù tâm đắc với ý tưởng ăn khoai lang vào bữa sáng. Em hỏi tôi đã có bạn trai chưa và tôi nói dối rằng chưa, giống như cách tôi thường che giấu những phần riêng tư, đáng lo ngại của mình khỏi gia đình. Chúng tôi không bao giờ bộc lộ những góc cạnh mong manh của mình cho nhau. Không hiểu sao.
Khi tên một người giờ chỉ là cái xác
Khi ta phải gõ đi gõ lại thứ mình vừa viết vì những động từ ta viết cho họ vẫn ở thì hiện tại. Có thể đó là vì ta là người Việt Nam, sử dụng động từ tiếng Việt – những động từ thường hay mập mờ giữa quá khứ và hiện tại. Cũng có thể, một phần trong ta muốn, và cần một thứ ảo giác rằng họ vẫn ở đó, chỉ cách ta một chuyến bay.
Sự biến mất đột ngột của một người vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của ta thật không thể lý giải nổi, cả khi mới biết tin và sau này nữa.
Gia đình của những người tự vẫn thường cảm thấy thế nào khi biết tin? Sốc? Cảm thấy có lỗi? Giận dữ? Tất cả những cảm xúc trên? Đầu tiên là không tin nổi, rồi sau đó, họ dần dần nhận ra những dấu vết, những mẩu vụn bánh mì đã dẫn người thân của mình đến bờ vực tối nơi họ nhảy xuống. Và trong những tháng và những năm sau đó, họ sẽ không ngừng tự chất vấn. Làm sao mà họ lại có thể không biết? Vì sao họ không cố gắng nhiều hơn?
Hai cái vỏ đã nằm trên bàn thờ của chúng – giá đồ trong phòng tắm của tôi – hàng tháng trời, bất động, nặng trĩu nỗi buồn – sự kết thúc đột ngột của cuộc đời tươi trẻ của em và sự nuối tiếc của tôi, rất nhiều nuối tiếc. Tôi sẽ mãi nhìn những tấm ảnh hồi bé với một nỗi nhớ khác. Những bức ảnh gia đình hạnh phúc đủ đầy giờ đây mang một ánh nhìn mỉa mai, chế nhạo cái nó đang là trong thực tại. Tôi đã ngừng đọc Sylvia Plath. Ta không thể nào đọc Sylvia Plath nếu Sylvia Plath chính là người thân của mình.
Tôi vẽ hai cái lọ vài ngày trước rồi chuyển chúng từ kệ đồ sang chiếc túi Cơ Hội Thứ Hai. Giờ thì tôi vẫn giữ chúng nhưng đã tiến gần hơn đến buông bỏ. Cuối cùng thì chúng chỉ là hai cái vỏ mang dấu kỷ niệm – kỷ niệm mà tôi đã lưu giữ trong tim.
Kết thúc
Bài viết này mượn đồ vật để nói về chính bản thân tôi – những mảnh tôi mong manh, vụng về, làm cho tôi bây giờ phải xấu hổ. Viết về khía cạnh này của bản thân thật đáng sợ, như thể tôi đang tự phẫu thuật cái xác của chính mình dưới ánh đèn nê-ông chói lòa, trong một căn phòng toàn người xa lạ. Vậy nên tôi đã viết bài gốc bằng tiếng Anh, ngôn ngữ thứ hai của mình. Có lẽ tôi phải đến một xứ sở bên ngoài để có thể quay lại nhìn thật rõ ràng xứ sở trong tôi.
Viết để làm gì nếu viết làm tôi bồn chồn đến thế? Giống như vẽ, viết đến từ ham muốn được hiểu, là đi tìm ý nghĩa, là nỗ lực kết nối những dấu chấm hỗn loạn không mang bất kì đường hướng nội tại nào. Viết cho tôi được biến mất trong tĩnh lặng chốc lát, rồi trở lại với một cái nhìn điềm tĩnh và trong sáng hơn.
“Từ nay, quá khứ thế là rõ ràng. Tôi lại có thể sống tiếp với một đầu óc trong sáng.”
Paustovsky, “Hoa tường vi”
L.L
8 tháng 9 năm 2021