Tặng bạn thích mặc áo có hình cửa sổ

Hà Nội hình như đã trải qua hơn mười ngày giãn cách xã hội; tôi không nhớ chính xác là đã bao nhiêu ngày rồi. Những tháng ngày này, thời gian không có hoạt động gì để đánh dấu nên trôi tuột đi như giọt nước không tên trên lá sen. Mỗi nhà được phát phiếu đi chợ và hàng quán đều đã đóng cửa cả. Tôi không còn lý do gì để ra ngoài lần chần đi bộ trên quãng đường ngắn ngủi từ nhà đến siêu thị nữa. Tôi chỉ có thể khẽ chạm vào thế giới bên ngoài qua khung cửa sổ.

Tôi thấy mình quay trở lại là em bé của gần ba mươi năm trước, khi bố mẹ đi làm, chỉ còn tôi ở nhà một mình. Chắc nhiều em bé sinh ra vào những năm 70, 80 ở Việt Nam cũng giống như thế. Bố mẹ đi làm hết, ở nhà thoả sức tung hoành trong thế giới to lớn là căn nhà mình với cái tủ lạnh thật cao và hộp kẹo nằm trên nóc tủ còn cao hơn nữa. Nơi duy nhất kết nối tôi với thế giới bên ngoài là ô cửa sổ – sơn xanh, chắn bởi những song sắt rỉ sét. Ô cửa sổ đầu tiên của tôi là ở khu tập thể Nghĩa Tân. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng tôi thấy mấy em bé hàng xóm cũng ở nhà giống mình, ngồi trên cái lồng chim ban công, hai tay nắm chấn song ban công, hai chân đong đưa bên ngoài. Chúng tôi đều là những tù nhân bé nhỏ. Tôi hay thò tay hoặc thò đầu ra ngoài ngó nghiêng, vung vẩy sờ nắm những thứ gì không rõ trong không khí. Có lần tôi thò đầu ra nhưng bị kẹt giữa hai song sắt; trời cũng vừa lúc đó nổi sấm ì ùng và lất phất mưa. Tôi nghẹn ngào, thấy viễn cảnh đời mình mãi mãi là em bé đầu kẹt ngoài ban công, phải để mẹ thò cái thìa ra ngoài đút thức ăn cho. Cũng may mưa lúc đó nặng hạt hơn, cắt đứt dòng tưởng tượng của tôi, bắt tôi phải mau mau tìm cách rụt đầu vào. Loay hoay một hồi tôi cũng xoay sở thụt được đầu vào bên trong.

Nhà tôi dọn về khu tập thể Kim Liên năm tôi lên bảy. Cửa sổ duy nhất nhìn ra bên ngoài nằm trong phòng của hai chị em. Thực ra đây là phòng khách được ngăn ra bởi chiếc tủ to và một cái rèm xanh. Sáng nào dậy mà nhà có khách thì tôi nhất quyết nhịn đái, nằm cố thủ trên giường cho đến khi khách về. Cửa sổ phòng chị em tôi nhìn ra một rừng bê tông nhấp nhô, và xa hơn một chút là mặt trước của một nhà tập thể khác, cũng trong khu Kim Liên – nơi thu hút sự chú ý của tôi. Nhà tập thể này cũng giống nhà C7 của tôi, hay là phần lớn nhà tập thể khác ở Hà Nội mà sau này tôi đến ở – những cái hộp bé tí màu hoàng thổ xếp chồng lên nhau. Trong mỗi cái hộp đó là một hay nhiều cuộc sống khác nhau: ngoài ban công hộp này là một bác quần đùi mayô trắng đang phơi quần áo, phía sau cửa sổ của cái hộp kia, một anh sinh viên đang học bài, ở bệ cửa sổ một ô khác nữa – một chú mèo vàng ve vẩy đuôi.

Sự lộn xộn rải đều các khu tập thể: từ bụi hoa giấy um tùm, móc những ngón tay xanh vào khắp các ban công, dây điện hàng chùm giăng mắc như một thứ mạng nhện khổng lồ đến cả mái khu tập thể lỉa chỉa những ăng ten xương cá. Tôi đã lớn lên cùng ô cửa sổ của sự bình-yên-trong-hỗn-loạn ấy và chỉ nhận ra nó đã trở thành một phần của mình khi chuyển đến một đất nước khác nơi mọi thứ luôn luôn sạch sẽ, phẳng phiu và trật tự. Tôi cảm thấy dễ chịu nhưng đồng thời xa lạ với sự trật tự ấy – những bụi cây tỉa tót mỗi ngày giống hàng móng tay cụt lủn hay luật lệ khu chung cư chỉ cho sử dụng duy nhất rèm cửa màu nâu hoặc vàng. Chỉ khi tôi bước vào một khu chợ với muôn vàn âm thanh náo nhiệt, những mùi, những chuyển động lộn xộn, đầy sống động, tôi mới bắt đầu thấy nơi ở mới của mình mang hơi ấm thân quen.

Mark Strand, “89 clouds”

Cửa sổ là nơi những người thành thị như tôi được kết nối với thiên nhiên, dù thiên nhiên đó chỉ là một mảnh trời xám, một vệt mây ướt, một đốm nắng hồng hay một bóng lá mềm mại thả trên tường. Hồi ở Kim Liên (khoảng những năm 91, 92), hai chị em tôi thỉnh thoảng lại thức đợi đom đóm tới. Chúng tôi tắt đèn, suỵt nhau im lặng, chờ cho đến khi trong màn đêm đặc quánh lấp lánh vài con đom đóm. Chỉ là vài con đom đóm thôi nhưng khi được nhìn thấy chúng, tôi thấy như thể mình được phủ một lớp bụi phấn nhiệm màu từ đôi cánh Tinker Bell. Đó là những chú đom đóm đầu tiên.

Ô cửa sổ thứ ba ở khu tập thể Trương Hán Siêu nhìn thẳng vào một bức tường. Phòng hai chị em tôi là một chiếc lồng chim cơi nới nên mái tôn hai nhà gần như sát nhau. Bầu trời thu hẹp lại thành đường ống máng màu xanh lơ giữa hai mái tôn. Thỉnh thoảng, tôi nằm trên giường nghe bài Dindi (tình cờ ra Tự Lập vơ được một đĩa bosa nova), nheo mắt ngắm dòng mây trôi giống như sữa chua đặc chảy chầm chậm trên ống máng xanh – mảnh trời bé tẹo của tôi.

"Sky, so vast is the sky
With far away clouds just wandering by
Where do they go
Oh, I don't know, don't know"
- Dindi. Antônios Carlos Jobim

Mỗi khi buồn bực hay căng thẳng, tôi hay nhìn lên trời, ngắm mây trôi. Dù tôi có cảm thấy như thế nào đi chăng nữa, những đám mây vẫn ngày ngày thong thả ngang qua cửa. Dù tôi có xấu tính hay tử tế, thành công hay thất bại thì mây vẫn cứ lặng lẽ ghé thăm tôi. Khi chống tay lên cửa sổ nhìn lên trời, những lo lắng nặng nề cũng dần nhẹ đi, bay lên, nhập vào mây lững lờ trôi. Những ngày này tin dịch dồn dập, hôm nay là thế, chẳng biết ngày mai ra sao. Thế nên tôi và các bạn bảo nhau rằng, khi nào muốn làm gì thì phải làm ngay. Còn gặp nhau được thì hãy gặp ngay, còn đi dạo được thì phải đi ngay, và nếu thèm trà sữa thì cứ uống luôn mấy cốc đủ thứ trân châu thạch trong lúc hàng trà sữa còn mở cửa. Mỗi sáng tôi đều kéo rèm nằm nhìn mây một lúc trước khi dậy. Hàng trăm, hàng nghìn năm nay, vật đổi sao dời; mây thì vẫn cứ trôi như mới vừa hôm qua.

Nhìn vào cửa sổ nhà ai nghĩa là ta đang chạm vào họ. Ta thấy họ đang hì hục xào xáo đồ ăn trong bếp, miệng hò hét một đám láo nháo trẻ con. Và nếu nhìn sang trái, ánh mắt họ cũng sẽ chạm vào ta đang đứng tu nước ừng ực bên kia đường, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Khi ta đến một thành phố lạ, ngoài cửa sổ ra, những khoảng không gian như sân, ban công hay sân thượng, hé mở cho ta thấy cuộc sống – hơi thở, trái tim, tâm hồn của thành phố đó. Có thể mới vừa nãy thôi đứng trước hàng dãy tường bê tông đặc kín, ta thấy như ai đó đóng sầm cửa trước mặt mình thì giờ, chỉ cách nơi ta vừa đứng bốn tầng lầu, bỗng nhiên có bao nhiêu là bàn tay ấm nóng nắm lấy tay ta.

Udaipur một ngày cuối năm, thành phố nhìn từ sân thượng khách sạn nhỏ nơi tôi ở tràn đầy sự sống. Những con sóc lông xám, đuôi cụt ngủn chạy thoăn thoắt trên mái nhà. Bầy khỉ chán ngồi đăm chiêu thì, chuyển sang gãi đít sồn sột và bới lông, bắt chấy cho nhau. Chim bồ câu từng đàn bay rất gần, sượt ngang qua đầu. Lâu lâu, tiếng chuông và tiếng cầu nguyện từ đền Jagdish vọng về. Trên sân thượng nhà đối diện, hai em bé đang thủ thỉ nói chuyện. Ở góc sân thượng có tường sơn hồng, một chị mặc sari đỏ đang loay hoay phơi quần áo với một chiếc khăn cũng hồng. Và ở mảnh sân ngay cạnh khách sạn, một chú bò trắng béo múp, mũi phập phồng, nằm kềnh sóng sượt, chân thỉnh thoảng hơi giật giật. Chú đang đóng vai ngựa hoang trong giấc mơ chăng?

Ở Jaisalmer, từ cái ghế đá bỏng rẫy ở sân thượng, tôi thấy những đường viền màu hổ phách của pháo đài cổ (khách sạn tôi ở nằm ngay trong pháo đài), những con đường rải đá, những đống rác ngồn ngộn chất ngoài tường pháo đài và cơ man nào là diều bay vút lên từ thị trấn như đàn chim câu.

Nhìn từ độ cao vượt ngoài phạm vi “human scale”, những tầng mười mấy, hai mươi, thành phố mất đi cái ấm áp của đời sống, chỉ còn là những dãy nhà bé tí như đồ chơi. Lên cao nữa, nhà cửa, cây cối mất đi hình dáng, chất liệu, màu sắc vốn có, còn lại duy nhất vài đường nét xám mờ trừu tượng. Những âm thanh đường phố – tiếng rao bánh mì, tiếng trẻ con chơi, tiếng bình bịch từ sân bóng, tiếng kéo xén cây lách cách, tiếng chửi “Đù má” chói tai mà vẫn hơi lảnh lót với tai người Bắc vốn quen các thanh âm chửi toàn dấu nặng – không thể vọng lên nổi. Cả tiếng xe cộ cũng bị nghiền vụn ra thành một thứ âm ầm ì xa xôi, không phân biệt nổi đó là những âm thanh gì. Sài Gòn, Jakarta, Bangkok, Singapore, tất cả đều trở thành những thành phố không tên, một tập hợp những ô khối chữ nhật im lìm.

Hà Nội đang giãn cách. Mỗi lần ra ngoài bắt đầu bằng một cuộc tìm kiếm lý do và hàng loạt cân nhắc. Cuối mỗi cuộc tìm kiếm ấy thường là sự kết thúc của chuyến ra ngoài còn chưa được thực hiện. Tôi tìm đến trang Window Swap như một cách giải toả nỗi bức bối không gian và thiếu thốn khí trời. Đây là một trang web nơi người dùng khắp nơi trên thế giới có thể chia sẻ các đoạn phim ngắn view từ cửa sổ nhà mình, bất kì cửa sổ nào. Với người xem, Window Swap là chuyến du lịch vòng quanh thế giới qua những ô cửa sổ. Cửa sổ của Y Mai (có thể là Ý Mai, một người Việt Nam chăng?) mở ra một buổi trưa Paris mơ màng. Những ngôi nhà cổ ngái ngủ, phủ bóng màu lam lên nhau. Những ống khói bằng đất nung tròn trĩnh, cao thấp béo gầy đủ cả; màu nâu đỏ tươi phơi phới trong nắng. Phố yên tĩnh, chỉ có bầy chim liến thoắng không ngừng. Cửa sổ của Adri Y Noa là một buổi sớm ở Montserrat (Buenos Aires). Hình như mặt trời vừa mới lên. Con đường lát đá còn chìm trong bóng tối mờ mờ tĩnh lặng. Những ngôi nhà bên đường nằm san sát, ban công bằng sắt uốn tinh tế như đang đan cài những dải đăng ten vào nhau.

Bên cạnh những ô cửa lạ có cả những ô cửa gợi nhắc khung cảnh thân quen ở Việt Nam. Cánh cửa gỗ màu vàng mật ong của Srujan ở Hyderabad mở những chùm lá dài xanh ngắt của cây hoa sữa và mảnh sân phủ rêu loang loáng nước. Mưa vẫn đang lác đác rơi. Lâu lâu lại có tiếng chim chiêm chiếp run rẩy, bị ngắt quãng bởi tiếng còi ô tô.

Cửa sổ của Ryan ở Đài Trung nhìn ra rừng nhà cao tầng và một công trường xây dựng. Hai chiếc máy xúc lăn qua lăn lại, cần mẫn vun gạch đá lại thành đống. Chẳng mấy chốc, toà nhà này sẽ chỉ còn là một đống gạch đá và từ cùng cái nền đó, người ta sẽ xây lên một chung cư mới – không rõ tên gì nhưng khẩu hiệu quảng cáo của toà nhà là “Một tương lai mới”. Giống như những nhà tập thể mà gia đình tôi đã để lại phía sau, chắc vài chục năm trước, toà nhà đang bị phá bỏ này cũng đã từng là biểu tượng của tương lai và hy vọng.

Khung cảnh đẹp không đảm bảo sẽ làm ta vui. Cái thảnh thơi của ô cửa ở Milano – chậu cây ngập nắng, tiếng bước chân, bầu trời lồng lộng gió – nhắc tôi nhớ cái mình đang thiếu vắng. Cửa sổ ở San Fernando nhìn ra phố đêm náo nhiệt; các gia đình đi dạo và thực khách trò chuyện bên ly rượu ở mấy quán ăn ven đường. Trước cửa dãy hàng ăn đối diện, một đám đông chăm chú nghe cô ca sĩ hát một điệu flamenco nồng nàn, hoà vào tiếng guitar bập bùng. Bốn tháng trước tôi vẫn còn đi các đêm jazz ở Bình Minh jazz club hay đêm ả đào ở Đào bar để vẽ. Không biết từ giờ đến cuối năm có cơ hội nào hay không? Không biết đến lúc đó các quán bar này có còn tồn tại?

Để có thể nhìn ra ngoài từ cửa sổ nhà ai, đầu tiên, ta phải được họ mời vào nhà. Ta bước vào vương quốc ấm áp và bí ẩn đó, đi qua các đồ vật – những đồ tạo tác (artifact) hay cả những hoá thạch của cuộc đời họ. Những lồng đèn giấy phảng phất màu sắc phương Đông, một chiếc mũ cói hắt ánh vàng yếu ớt, hai chiếc ghế bành nỉ xám với lớp vá lưng trang trí những hình vuông màu đỏ, và trên bàn một tập sách mỏng bìa xám ấm, tiệp màu ghế bành. Những đồ đạc nằm ngổn ngang như những quyển sách khép hờ, ngân nga khe khẽ câu chuyện về cuộc sống của một người lạ – những giấc mơ, tình yêu, sự cô độc. Một cốc nước đang uống dở đặt trên bàn, thứ nước gì màu đỏ và một lọ đường vàng. Họ nghĩ gì mười phút trước, khi đang cầm trên tay cốc nước, vừa uống vừa nhìn ra màn mưa xứ Wales đang trộn lẫn màu xanh run rẩy với màu trời lạnh và sũng nước?

Có một thứ lòng tốt tình cờ toát ra từ những mẩu phim trên Window Swap. Một cách kín đáo, những người chia sẻ những đoạn phim cửa sổ nhà mình cũng đồng thời cho người xem – những con người xa lạ – được ghé nhìn vào cuộc sống riêng tư đầy sự thân mật của họ: tiếng bước chân rón rén trên sàn gỗ, tiếng bàn phím lách cách, giọng trẻ con ê a nói chuyện với đồ chơi và tiếng bà mẹ nựng con, một thoáng bàn tay họ mở cánh cửa chớp vừa bị gió đẩy vào, cái bồn tắm tròn bé tí họ tự làm bằng gỗ sơn xanh da trời, có cả thang để bước lên, nằm trên bãi cỏ um tùm trước nhà. “Mở” những cánh cửa đó không chỉ là “đi du lịch” mà còn là trải nghiệm cảm giác như đang ở nhà từ bất kì nơi đâu.

L.L

Hà Nội. Ngày 5 tháng 8 năm 2021

Tài liệu tham khảo

Window Swap: https://www.window-swap.com/

Popova, M. 89 Clouds: A Poetic Celebration of Clouds and Everything They Mean. [online] Brain Pickings. Available at: <https://www.brainpickings.org/2015/03/02/89-clouds-mark-strand-wendy-mark/> [Accessed 05 August 2021].