The world is large but in us, it is deep as the sea
R.M.Rilke
Từ tháng Năm đến giờ, nơi xa nhất tôi đã từng tới là nhà bạn tôi trong một con ngõ nhỏ ở phố Minh Khai, Hà Nội. Chỉ cách biển xe cộ vang rền tiếng động cơ ngoài Minh Khai tầm chục bước chân là những ngõ nằm trong ngõ – những ốc đảo bé xíu lao xao tiếng trẻ con đạp xe đuổi theo nhau và tiếng kéo lách cách của bác hàng cắt tóc. Khu tập thể nhà bạn đã được sửa sang lại, muốn ra vào phải quẹt thẻ nên tôi đợi bạn dưới bóng cây khế đối diện cổng. Cây khế này cũng mảnh khảnh như bao nhiêu cây khế khác. Hôm nay lặng gió, những chiếc lá khế mỏng, thon dài nằm sóng vai, phủ một lớp màu lục lên những chùm quả ngoan lành, ôm khắp cành và thân cây như đang mơ một giấc mơ trưa. Đã ăn không biết bao nhiêu nồi cá kho khế từ gần ba chục năm nay, hình như đây là lần đầu tiên tôi dành ra hẳn vài phút để chăm chú nhìn một cây khế. Trong ngõ lúc này chỉ có mình tôi ngửa mặt lên nhìn cây – hành động có vẻ kì quặc quá nên bác bảo vệ đi ra rồi lại đi vào, nhìn tôi đầy nghi hoặc. Cây khế ở ngõ Minh Khai gợi nhắc đến những cây khế trong sân những căn nhà cổ trầm ngâm ở Luang Prabang một sớm mùa xuân se lạnh năm 2018. Cây cũng lặng lẽ như thế và khế chín rụng đầy không thấy ai nhặt. Không biết người Lào có nghĩ “quê hương là chùm khế ngọt” như người Việt hay không?
Khi nào thì ta đi du lịch, và khi nào ta chỉ đến một nơi chốn đã quen?
Khi tôi vẽ, căn hộ 60 mét vuông – không gian thân quen của bạn tôi trở thành một xứ sở lạ. Vẽ nghĩa là để mình đắm chìm trong những âm thanh mới, mùi hương mới, màu sắc mới, chất liệu mới. Tiếng ì ầm động cơ máy bay từ sân bay quân sự gần đây; thỉnh thoảng, một chiếc máy bay nhỏ bay ngang qua, gần đến nỗi chúng tôi có thể nhìn thấy bụng máy bay ánh lên màu kim loại. Tiếng móng con mèo già đã được gần hai chục tuổi – vì già quá nên không thu móng lại được – lạo xạo trên nền gạch bóng. Mèo thiu thiu ngủ trên ghế sofa, cái bụng bết lông phập phồng nhè nhẹ, nhưng thỉnh thoảng lại ngẩng lên kêu vài tiếng khàn khàn buồn thảm, đợi người đến gãi cằm. Tiếng diễn giả nào thuyết trình đầy thiết tha về lịch sử Biển Đông từ một hội thảo trực tuyến mà bạn tôi đang bật, và tiếng bàn phím bạn lách cách bóc băng.
Nếu thanh âm nhẹ nhàng ôm lấy ta như những làn sóng trên mặt ao cổ thì màu sắc lại quyết liệt hơn khi ta tiếp xúc, có lẽ vì màu sắc, dù là màu gì đi chăng nữa, cũng đều là sự phản chiếu. Cánh bông cúc đại đoá óng lên màu mật ong; hình như mùa thu vừa lướt qua khung cửa bạn luôn mở rộng, chạm khẽ đôi cánh vào bình cúc bạn nâng niu. Hai quả lựu rám nắng trên bàn, da đồi mồi lấm tấm, trông như hai quả cam góc cạnh với cái núm khô giòn, sáu cánh uốn cong như làm bằng đồng đỏ. Bạn vẫn hay mùa nào thức nấy và nhà bạn là một không gian tràn ngập rung cảm mùa.
Trên lớp nền đượm ngọt của những màu vàng và cam ấm áp của mùa thu ấy, sắc đỏ tươi và tím quả dâu tằm trên chiếc gối quả bí, màu da trời tươi sáng trên lớp vải phủ sofa hay ánh lam lấp lánh trên ông phỗng bé xíu ở góc kệ như tiếng chuông gió ngân nga, mang lại cho căn phòng một thứ gì xôn xao như nắng nhảy nhót qua kẽ lá; một thứ xôn xao khiến ta mỉm cười.
Vẽ nhà một ai đó là cảm nhận những dạng thức khác nhau của họ trong một vương quốc đồ đạc đủ thứ muôn hình vạn trạng nhưng đều được ươm mầm từ cùng một DNA thống nhất. Những dải vỏ bưởi khô treo trên bếp thơm man mát vương chút đắng; bánh xà phòng hương mùi già của Đồn Điền mua từ Tết chậm rãi ướp hương trong tủ quần áo; mấy thanh quế ủ hơi ấm trong chiếc lọ sành; lọ tinh dầu cam bergamot đang rắc những nốt trong trẻo trong phòng ngủ và trong bình lọc trên kệ bếp, cà phê nhỏ từng giọt nâu tí tách – thứ cà phê mà bạn bảo hạt thoảng mùi men rượu và khi uống xong, trong cuống họng còn đọng một mùi thơm như rượu mơ. Bạn là Hương và tên bạn thấm đẫm khắp không gian căn phòng này.
Vì vẽ bắt ta phải nhìn đồ vật thật gần và tìm ra một không khí chung trong những đồ đạc tưởng chừng không một mối liên hệ, vẽ cũng có nghĩa là suy ngẫm về bản sắc của một người, về lịch sử của họ và cách họ thay đổi. Tấm ảnh lồng khung đặt trước dàn loa là bạn hồi đại học, khuôn mặt bầu hĩnh, hớn hở, vai đeo chiếc túi thổ cẩm rực rỡ. Hồi xưa bạn mê đồ thổ cẩm và những đồ chần bông. Bây giờ bạn hiếm khi mặc đồ thổ cẩm hay chần bông nhưng sự yêu thích những món đồ thô mộc chuyển sang những bình gốm thô ráp, loang lổ nốt rạn hay màu bình nâu trầm không chút men bóng như màu chiếc cối hiền lành nằm trong góc bếp, rồi khăn trải bàn ghế bằng vải thô và album của Lê Cát Trọng Lý – vỏ là những vòng tròn gỗ nham nhám, cũng trong sáng, giản dị như chất nhạc.
Dù đã biết tôi sẽ vẽ nhưng bạn vẫn phân bua đầy áy náy rằng nhà bạn đang bừa lắm vì chưa kịp dọn. Nhưng một căn phòng bừa bộn làm nên chủ đề thú vị hơn gấp nhiều lần một nơi ngăn nắp. Một căn phòng bừa bộn là thế giới mở nơi đồ đạc tràn ra – mấy quyển sách đang đọc dở trên giường, thảm yoga chưa kịp cuốn, lọ kem dưỡng da tay vừa dùng sáng nay đặt ở mép bàn chông chênh như chực đổ – chia sẻ cho người vẽ những góc độ khác nhau trong đời sống hàng ngày của chủ nhà. Giữa giá sách và bàn làm việc là góc ‘xấu hổ’ của bạn vì nó bừa nhất – Mấy cái hộp carton – vỏ hộp nồi áp suất, nồi cơm điện, một chồng túi quần áo cũ chưa kịp đem cho, một dãy lọ thuỷ tinh lúc trước đựng bánh kẹo hay tinh dầu giờ nằm trống không, lấp lánh. Trong mắt bạn, chúng không phải là rác mà là đồ đạc đang chờ đợi cơ hội sử dụng thứ hai, thế nên bạn không nỡ vứt chúng đi.
It matters not where or how far you travel – the farther commonly the worst – but how much alive you are
Thoreau
Ở nhà bạn, sách hàng chồng la liệt khắp nơi, trên bàn trong phòng ngủ, trên giường, trên ghế sofa, cả trên mặt kệ tủ đặt dàn loa nữa. Sách đi theo bạn khắp nơi trong nhà, hay thực ra là những câu hỏi mà bạn đang mải mê suy ngẫm. “Một chiến thắng bị bỏ lỡ”, “Một cơn gió bụi”, “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, “Một trăm năm phi trường Tân Sơn Nhất”, “Sài Gòn vang bóng”, “Biên bản chiến tranh” – những cuốn sách bạn đang đọc dở hé mở cho tôi những câu hỏi ấy, gieo vào tôi sự tò mò mới mẻ đối với một giai đoạn lịch sử xưa nay tôi vẫn hài lòng với vốn kiến thức dừng lại ở ngày tháng năm và ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Thống Nhất.
Người ta hay nghĩ rằng phải đi xa khỏi nơi mình đang sống, đến một vùng đất mới, một đất nước mới, thậm chí là một châu lục mới thì họ mới có thể mở rộng chân trời của mình. Thật ra nếu chú ý nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt hồn nhiên thì một căn phòng quen trong ngõ Minh Khai cũng chứa đựng nhiều điều lạ, như là món xôi với trám ngâm và món chả rươi mà bạn nấu. Đây mới là lần thứ hai tôi ăn chả rươi. Miếng chả rươi đầu tiên tôi ăn hình như nhiều thịt và trứng hơn là rươi, và cũng không nhìn rõ con rươi. Tôi vốn chỉ quen ăn những món đạm có hình thức không gợi nhắc gì đến nguồn gốc của nó. Thịt cá gì cũng phải thái lát ra, hay băm hoặc chặt. Có lẽ khi món ăn nhìn chằm chằm vào mình, với hình dáng đầy đủ chân hoặc vây hoặc cánh, như chỉ chực nhảy ra khỏi đĩa bất cứ lúc nào thì tôi cảm thấy khó nuốt hơn. Nó làm tôi nhận ra rằng “À, món này đã từng là một con vật sống và nó được sinh ra không phải để nhảy lên bàn làm đồ ăn cho mình”. Vậy nên mặc dù chả rươi thơm lừng mùi trứng và vỏ quít, phải mất một lúc ngắm nghía con rươi ngoằn ngoèo vẫn nguyên những cặp chân bé xíu thì tôi mới dám cho miếng chả vào mồm, và ăn ngon lành, vì chả rươi rất ngon, dù thỉnh thoảng trong lúc ăn tôi lại nhớ đến hai con giun đất trong chậu cây cẩm tú cầu ở nhà cũ. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến giun đất vào lúc này nữa.
Món xôi trám với tôi cũng là một chân trời ẩm thực mới. Vốn toàn ăn những món quen, tôi chỉ mới biết đến món trám đen nhồi thịt qua truyện “Hành trình ngày thơ ấu” của Dương Thu Hương mà hồi bé đã đọc đến thuộc lòng. Vị món trám đen khá giống vị quả oliu đen (bạn nào là fan món trám mà thấy không giống thì thông cảm nhé, cảm mùi vị của mình không nhạy lắm), hơi chát và thoảng hương rượu, mất một lúc mới quen nhưng lại là sự kết hợp thú vị với vị ngọt dịu dàng của xôi nếp. Về nhà đọc thêm thì lại thấy hình như quả trám xanh trong miền Tây gọi là quả cà na (hình như!), thứ quả nghe tên quen quen mà hồi ở Sài Gòn mình cũng chưa bao giờ nếm.
Trưa vẫn trong giấc sâu. Tôi lặng yên vẽ còn bạn thong thả nghe lại file ghi âm của buổi phỏng vấn tuần trước, vừa nghe vừa gõ lách cách. Thỉnh thoảng bạn lại ngẩng lên xem có cần ghi âm phát biểu của diễn giả nào trong hội thảo hay không, hoặc chỉ để áp mặt vào bình hoa cúc, tự lẩm bẩm “Đẹp quá nhỉ!” Nhịp điệu một ngày làm việc ở nhà chậm rãi và bằng lặng như chính buổi trưa mùa thu hôm nay. Ấm nước vừa đặt đang sôi lục bục, công tắc bật lên đánh tách một cái. Trên ghế sofa, con mèo già vẫn đang nằm ngủ. Bạn lục tục pha một ấm trà đen, thả vào mỗi cốc một thanh quế, rồi hai đứa lại tiếp tục chìm vào việc của mình.
Mỗi khi muốn thoát khỏi nhịp sống hiện tại, tôi hay tưởng tượng mình ra sân bay, mua một vé đến bất kì thành phố nhỏ nào (cũng không nhỏ lắm vì vẫn có sân bay) hoặc tới một hòn đảo để thử sống một ngày hoàn toàn khác, và được là một người không giống mình lúc ở nhà. Nhưng hôm nay, khi ngồi lặng yên như thế, tôi thấy mình tan vào ánh nắng thu, tràn đầy căn phòng nhỏ có khung cửa sổ gỗ sơn xanh, hoà vào không khí một ngày bình thường của bạn – một ngày yên ả, nên thơ mà thiết tha như nhịp điệu những bài thơ Lưu Quang Vũ mà lâu lâu bạn lại lật ra thầm thì đọc lại.
L.L
Tháng 12 năm 2021